BẠN ĐÃ BIẾT VỀ
NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH CỦA VẬN ĐƠN?
Vận đơn là gì?
Tại Việt Nam, theo quy định tại Khoản 2, Điều 148, Bộ Luật Hàng hải Việt Nam (2015) định nghĩa: “Vận đơn là chứng từ vận chuyển làm bằng chứng về việc người vận chuyển đã nhận hàng hóa với số lượng, chủng loại, tình trạng như được ghi trong vận đơn để vận chuyển đến nơi trả hàng; bằng chứng về sở hữu hàng hóa dùng để định đoạt, nhận hàng và là bằng chứng của hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển.”. Ngoài ra, có thể tìm thấy định nghĩa về vận đơn từ trong Công ước Liên Hiệp Quốc về chuyên chở hàng hóa bằng đường biển (1978) (hay còn gọi là Công ước HAMBURG 1978), tại Khoản 7, Điều 1 đã đề cập: “Vận đơn đường biển là một chứng từ làm bằng chứng cho một hợp đồng vận tải đường biển và cho việc người chuyên chở đã nhận hàng để chở hoặc xếp hàng xuống tàu và bằng vận đơn này, người chuyên chở cam kết sẽ giao hàng khi xuất trình nó. Một điều khoản trong chứng từ này quy định rằng lô hàng phải được giao theo lệnh của người được ghi đích danh hoặc giao theo lệnh, hoặc giao cho người cầm vận đơn chính là sự cam kết đó.”
Tóm lại, có thể hiểu đơn giản vận đơn là chứng từ do người vận chuyển hoặc đại diện được ủy quyền của người vận chuyển ký phát cho người gửi hàng, trong đó xác nhận việc nhận hàng để vận chuyển từ cảng khởi hành đến cảng đích.
Nguồn gốc ra đời của vận đơn
- Gắn liền với ngành vận tải biển
Vào những năm 1.200 TCN, khi những tàu buôn đầu tiên của người Ai Cập cổ đại cập bến hòn đảo Sumatra của Indonesia đã đánh dấu mốc quan trọng trong ngành vận tải biển của thế giới. Đến thế kỷ thứ X, mạng lưới thương mại quốc tế dần được hình thành khi các tàu buôn của Trung Quốc thực hiện lộ trình hàng hải qua Ấn Độ Dương, sự giao thương giữa hai nền văn hóa lâu đời bậc nhất thế giới đã mang lại những biến chuyển sâu sắc trong nhận thức của người đương thời về ngành vận tải biển và dần dần trở thành một xu thế cho các quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
- Sự hình thành của vận đơn
Từ sau thế kỷ XI, giao dịch hàng hóa bằng đường biển của các thương nhân ở khu vực Địa Trung Hải phát triển mạnh và từ thời điểm đó bắt đầu phát sinh nhu cầu ghi nhận lại số lượng hàng hóa được mua bán vận chuyển bằng đường biển. Trong thời kỳ này, các thuyền phó thường ký phát Giấy biên nhận hàng hóa nhằm xác nhận số lượng hàng hóa được vận chuyển nhưng chứng từ này chưa thực sự phổ biến.
Theo học giả McLaughlin, từ năm 1063 trở đi, trên một số luồng hàng hải thuộc khu vực Địa Trung Hải đã áp dụng quy định bắt buộc các tàu tham gia vận chuyển trên tuyến phải có một nhân viên chuyên trách ghi chép số lượng hàng hóa đã xếp dỡ lên tàu. Mãi đến năm 1350 mới xuất hiện một văn bản mang tính pháp lý quy định rõ các chứng từ không phải do nhân viên chuyên trách trên tàu ký phát sẽ không có giá trị.
Có thể thấy, vận đơn đã sơ khai xuất hiện vào cuối thế kỷ XIV dưới hình thức của một Giấy biên nhận hàng hóa để ghi chép số lượng hàng hóa xếp dỡ lên tàu, cũng thông qua chứng từ ngày, người vận chuyển có thể biết được người nhận hàng tại cảng đích.
- Sự phát triển của vận đơn
Thế kỷ XVI, các nhà hàng hải Châu Âu từ các nước có ngành hàng hải phát triển mạnh như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Hà Lan chính thức thiết lập tuyến thương mại hàng hải phạm vi toàn cầu và từ đó thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia, khu vực có tuyến hàng hải quốc tế đi qua.
Dần dần, xuất hiện những trường hợp chủ hàng chưa quyết định bán hàng cho ai sau khi đã gửi hàng hóa đi. Qua đó làm phát sinh nhu cầu cần có một chứng từ có thể chuyển nhượng được đối với lô hàng đang trên đường vận chuyển hoặc cho phép ai đó được quyền nhận hàng ở cảng đích.
Nửa sau thế kỷ XVI, tính năng chuyển nhượng của vận đơn được hình thành căn cứ vào sự xuất hiện của vận đơn trong các hồ sơ tranh tụng tại Tòa án Hàng hải Vương quốc Anh, tính năng chuyển nhượng được thể hiện dưới hai dạng khác nhau, một dạng quy định vận đơn sẽ được chuyển giao cho chính chủ hàng (người gửi hàng) hoặc đại lý hay người được uy quyền, một dạng khác quy định chuyển giao cho người thứ ba (người mua hàng) hoặc người được họ ủy quyền.
Cũng trong giai đoạn này, khi người gửi hàng không thể cùng lúc kí kết nhiều hợp đồng thuê tàu thì một số vận đơn dần dần mang đặc trưng của hợp đồng thuê tàu dù số lượng vận đơn như vậy là không lớn.
- Được quốc tế công nhận
Dần dần, vận đơn trở thành một chứng từ không thể thiếu trong hoạt động vận tải hàng hóa bằng đường biển đặt ra nhu cầu phải có sự công nhận và thống nhất của quốc tế về mặt pháp lý cho vận đơn.
Công ước quốc tế để thống nhất một số quy tắc luật pháp liên quan đến vận đơn được ký tại Brussels, Bỉ ngày 25-08-1924. Bản được chỉnh sửa gần nhất là Nghị định thư Sửa đổi công ước quốc tế để thống nhất một số quy tắc về vận đơn đường biển (hay còn gọi Nghị định thư VISBY 1968). Năm 1978, Công ước Liên Hợp Quốc về chuyên chở hàng hóa bằng đường biển được ban hành. Đến năm 1990, Ủy ban hàng hải quốc tế ban hành Các quy tắc thống nhất về vận đơn đường biển và Các quy tắc về vận đơn điện tử.
Có thể thấy, sự ra đời và phát triển của vận đơn gắn liền với những nhu cầu thực tế trong lịch sử hình thành và phát triển hoạt động giao thương hàng hóa giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến nay, thương mại toàn cầu đang trở thành một xu hướng, vận đơn ngày càng được hoàn thiện về mặt hình thức và pháp lý để trở thành một chứng từ không thể thiếu trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Kết luận: Trải qua thời kỳ hình thành và phát triển lâu dài, vận đơn dần được hoàn thiện về mặt pháp lý và được quốc tế công nhận rộng rãi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có rất nhiều tranh chấp phát sinh liên quan đến vận đơn đường biển xảy ra hàng năm mà trong cuốn Nguồn gốc ra đời của vận đơn & Một số tranh chấp liên quan đến dịch vụ Logistics của các chuyên gia đến từ Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) có trích dẫn 45 trường hợp mang tính thực tế cao.
Để trang bị cho bản thân những hành trang kiến thức vững chắc về vận đơn, các bạn có thể tham khảo khóa học "Vận đơn và những rủi ro thường gặp" của VLI tại link: https://vli.edu.vn/ban-da-lap-va-su-dung-van-don-dung-cach-hay-chua/ hoặc liên hệ hotline: 08.999.222.14/0903.83.81.82 gặp Ms. Khương để được tư vấn cụ thể.
Tài liệu tham khảo:
- Công ước Liên Hiệp Quốc về chuyên chở hàng hóa bằng đường biển (1978).
- Bộ Luật Hàng hải Việt Nam (2015)
- Võ Nhật Thăng (Chủ biên), Ngô Khắc Lễ, Vũ Xuân Phong, Nguyễn Tương (2021), Nguồn gốc ra đời của vận đơn & Một số tranh chấp liên quan đến dịch vụ Logistics, NXB Đà Nẵng, Hiệp hội doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA).
- McLaughlin (1926 – 1926), Sự tiến hóa của vận đơn đường biển.
(Lê Ngọc Ngẫu, 2021)