VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN LOGISTICS VIỆT NAM

VIETNAM LOGISTICS RESEARCH AND DEVELOPMENT INSTITUTE (VLI)

A subsidiary of Vietnam Logistics Business Association - VLA

Địa chỉ:
Điện thoại: (+84) 28 7301 8689

Bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

vlimonamedia

17/01/2025

TCCT Chiều 14/1/2024, Đoàn Công tác của Bộ Công Thương do Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Nguyễn Thúy Hiền làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở Công Thương TP. Hà Nội về công tác bảo đảm hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Khung cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác Bộ Công Thương tại Sở Công Thương TP. Hà Nội

Theo đó, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 11 tháng 12 năm 2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025 và Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 18 tháng 12 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Bộ Công Thương tổ chức Đoàn làm việc với các địa phương, doanh nghiệp cung ứng hàng hóa về công tác chuẩn bị Tết, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Năm 2024, kinh tế cả nước tiếp tục phục hồi và tăng trưởng trong bối cảnh tình hình chính trị trên thế giới có nhiều bất ổn ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa trong nước. Song, với sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt và chủ động, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, thị trường trong nước tương đối ổn định, nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng luôn được bảo đảm, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp.

Triển khai Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 20 tháng 11 năm 2024 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các địa phương, doanh nghiệp đã và đang tích cực chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết và triển khai các Chương trình bình ổn thị trường, Chương trình xúc tiến thương mại, cung ứng hàng hóa cho các khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa. Hiện đã có 50/62 tỉnh/thành phố có báo cáo về việc triển khai xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và Tết nguyên đán 2025.

Theo báo cáo của các địa phương, công tác chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn trong việc chuẩn bị nguồn hàng hóa được các địa phương quan tâm chỉ đạo, thực hiện sớm. Các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn thị trường tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết của người dân như: lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo, xăng dầu… Phần lớn các địa phương thực hiện chương trình bình ổn thị trường dựa vào nguồn vốn xã hội hoá của doanh nghiệp và thông qua chương trình kết nối với các tổ chức tín dụng để được vay với lãi suất ưu đãi trong thời gian thực hiện chương trình. Để nắm bắt thực tế công tác chuẩn bị hàng hoá của các địa phương, như thường lệ, Bộ Công Thương có kế hoạch làm việc với Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội.

Trước đó, ngày 13/01/2025, Bộ Công Thương đã làm việc với Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh về công tác chuẩn bị Tết. Theo báo cáo của Thành phố Hồ Chí Minh, đây là năm thứ hai Thành phố triển khai Chương trình Bình ổn thị trường theo Quy chế triển khai Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; theo đó, doanh nghiệp tham gia trên cơ sở đồng thuận, đồng hành và tuân thủ nghiêm các quy định của Chương trình; góp phần ổn định giá cả, không để xảy ra tình huống khan hàng, thiếu hụt nguồn cung cục bộ gây sốt giá. Tình hình thị trường hàng hóa duy trì ổn định, lưu thông thông suốt, nhiều doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ đã tổ chức nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn, giá cả hợp lý với nhiều loại mặt hàng giảm giá nhằm kích cầu tiêu dùng cho người dân.

Năm 2024-2025, Chương trình của TP. Hồ Chí Minh có 48 doanh nghiệp đầu mối tham gia bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, tăng 03 doanh nghiệp so với năm 2023; có 14 doanh nghiệp bình ổn thị trường các mặt hàng phục vụ học tập, tăng 04 doanh nghiệp so với năm 2023, 02 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường mặt hàng tiêu dùng thiết yếu (ngành hàng mới) và 08 doanh nghiệp bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm, tăng 02 doanh nghiệp so với năm 2023; bổ sung 02 doanh nghiệp tham gia đồng hành, hỗ trợ hỗ trợ giá thuê mặt bằng và hỗ trợ cung cấp vật tư phục vụ sản xuất thực hiện Chương trình (hình thức tham gia mới).

Về lượng hàng hóa bình ổn thị trường, trên cơ sở xác định nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu của hơn 10 triệu dân trên địa bàn Thành phố; căn cứ nhu cầu, sức mua, kết quả cung ứng năm trước, các doanh nghiệp đầu mối tham gia Chương trình Bình ổn thị trường đã chuẩn bị nguồn vốn hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó hơn 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để phục vụ thị trường Tết. Sản lượng hàng thiết yếu chuẩn bị chiếm 25% đến 43% thị phần; bình quân mỗi tháng Tết dự kiến cung ứng gần 8.000 tấn gạo, 5.000 tấn thịt gia súc, 5.500 tấn thịt gia cầm, 23 triệu quả trứng gia cầm, 1.400 tấn đường, 1.100 tấn dầu ăn, 800 tấn thực phẩm chế biến, 10.000 tấn rau củ quả… Đồng thời, các doanh nghiệp luôn sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết và tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ (nếu có).

Về kế hoạch bán hàng phục vụ Tết: Để đảm bảo cung ứng hàng hóa những ngày cận Tết, các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi tăng cường nhân lực, tăng công suất phục vụ, kéo giãn thời gian hoạt động. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng trống kệ hàng, không để ùn ứ khách hàng mua sắm Tết…

Đồng thời, để giảm áp lực mua sắm, dự trữ của người dân trước Tết, hầu hết các hệ thống phân phối có kế hoạch mở cửa gần như xuyên Tết, chỉ nghỉ mùng Một; riêng một số hệ thống cửa hàng như Family Mart, GS25, Kingfood Mart… hoạt động xuyên suốt Tết.

Sau khi làm việc với Thành phố tại trụ sở Sở Công Thương, Đoàn làm việc cũng đi kiểm tra thực tế công tác chuẩn bị hàng hoá tại Chợ Bến Thành và Siêu thị MM Mega Market An Phú.

Bà Nguyễn Thúy Hiền – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước phát biểu tại buổi làm việc với Sở Công Thương TP. Hà Nội về công tác cung ứng hàng hóa chuẩn bị Tết, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

Ngày 14/01/2025, Bộ Công Thương tiếp tục có chương trình làm việc với Thành phố Hà Nội tại Sở Công Thương Hà Nội. Tại Hà Nội, năm nay, Thành phố tiếp tục thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách. Tổng số Doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán là 22 đơn vị tham gia Chương trình (giảm 10 đơn vị so với năm trước), gồm 19 đơn vị của Hà Nội và 03 đơn vị của 06 tỉnh, thành phố), cung ứng các mặt hàng bình ổn tới hơn 10.600 điểm bán (giảm 3.935 điểm). Trong đó có nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao như Saigon Co.op, Central Retail, MM Mega Market, Lotte, BRG Mart…

Ước tính lượng hàng hoá thực hiện chương trình Bình ổn thị trường năm 2024 của TP Hà Nội đáp ứng 35% nhu cầu thị trường trong 1 tháng (khả năng cung ứng của Chương trình trong 03 tháng Tết khoảng 997.531,575 tấn thực phẩm các loại và 132 triệu quả trứng gia cầm).

Đến nay, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch và ký kết các hợp đồng khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 5%-20% tùy từng mặt hàng so với Kế hoạch phục vụ Tết năm 2024; tại các điểm bán hàng, lượng hàng hoá đã được tăng cường 30-35% sẵn sàng phục vụ nhân dân (trong đó, tỷ trọng hàng Việt Nam chiếm khoảng 85-90%).

Ông Nguyễn Thế Hiệp – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hà Nội phát biểu tại buổi làm việc

Về lượng hàng, các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thịt lợn, thịt gà, vịt trứng gia cầm, dầu ăn, đường, gia vị, rau củ, thủy hải sản tươi, đông lạnh, thực phẩm chế biến, sữa trẻ em dưới 06 tuổi) và nhóm hàng huy động tăng cường trong dịp Tết (Bánh mứt keo, rượu bia, nước giải khát) tham gia chương trình bình ổn thị trường chiếm thị phần khoảng 35% thị trường. Các doanh nghiệp đã đẩy mạnh bán hàng qua kênh online, triển khai thanh toán điện tử, giao hàng tận nơi cho khách hàng và chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, sẵn sàng cung ứng đưa ngay hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra.

Cùng ngày, Đoàn công tác của Bộ Công Thương cũng đã đi kiểm tra, khảo sát thực tế công tác cung ứng hàng hóa, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Một số hình ảnh tại Chương trình:

Theo Tạp chí Công Thương

Xem thêm tại đây