Thúc đẩy phát triển thương mại, xuất nhập khẩu vùng Đông Nam Bộ
vlimonamedia
20/12/2024
Theo báo tin tức TTXVN
Nằm ở vị trí thuận lợi là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, Đông Nam Bộ có nhiều lợi thế để thúc đẩy phát triển thương mại, xuất nhập khẩu. Các tỉnh, thành trong vùng đã và đang phát triển các sản phẩm chủ lực, xây dựng các cơ chế hợp tác chặt chẽ, nâng cấp, phát triển hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Điểm sáng” xuất nhập khẩu
Tỉnh Bình Dương, “thủ phủ” công nghiệp phía Nam, năm 2024 được coi là bước ngoặt quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu của địa phương, khi ước đạt trị giá xuất siêu 10 tỷ USD. Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, kim ngạch xuất khẩu năm 2024 của tỉnh ước đạt 34,5 tỷ USD, tăng 13% so với năm ngoái, vượt kế hoạch năm gần 3%, đưa giá trị xuất khẩu của Bình Dương chiếm hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương Nguyễn Thanh Toàn nhận định, kết quả xuất siêu gần 10 tỷ USD cho thấy các doanh nghiệp trong tỉnh có sức chống chịu tốt trước tác động của thị trường và chủ động thích ứng có hiệu quả trong sản xuất và xuất khẩu. Các doanh nghiệp đã tận dụng hiệu quả cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường, đặc biệt tại Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc. Điều này phản ánh sự bền vững trong phát triển kinh tế của tỉnh.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Bình Dương tăng trưởng ấn tượng trong năm 2024 như: gỗ có kim ngạch xuất khẩu đạt gần 5 tỷ USD (tăng 27,7%, chiếm tỷ trọng 18,8% kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh); dệt may đạt hơn 2,3 tỷ USD (tăng 12,8%); giày da đạt hơn 1,3 tỷ USD (tăng 18,7%)… Thị trường xuất khẩu chủ yếu của tỉnh là: Hoa Kỳ, EU, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Đặc biệt, thị trường Hoa Kỳ chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Đây không chỉ là thị trường tiêu thụ lớn nhất mà còn có tiềm năng phát triển bền vững cho các doanh nghiệp trong tỉnh Bình Dương. Việc tăng cường xuất khẩu sang thị trường này giúp các doanh nghiệp địa phương mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Tại tỉnh Đồng Nai, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân giai đoạn 2020 – 2022 đạt 14,2% và giai đoạn 2020 – 2023 đạt khoảng 4,8%. Riêng trong 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 19,5 tỷ USD, xuất siêu 5,4 tỷ USD, đạt khoảng 84% so với mục tiêu đặt ra trong năm 2024.
Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai Thái Thanh Phong cho biết, thời gian qua, tại một số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển liên kết ngành công nghiệp do một số doanh nghiệp tự kết nối với nhau hoặc thông qua chương trình xúc tiến thương mại ở một số ngành công nghiệp như may mặc, da giày, điện tử, chế biến gỗ…
Hiện, Đồng Nai cũng là địa phương có quan hệ mua bán với khoảng 182 quốc gia, vùng lãnh thổ; trong đó kim ngạch xuất khẩu vào châu Á chiếm khoảng 50%; châu Mỹ (33%); châu Âu (khoảng 15%), số còn lại là châu Phi và châu Đại Dương với các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Bỉ, Đức, Thái Lan…
Thực tế, cơ sở hạ tầng của vùng Đông Nam Bộ có sự phát triển rõ nét, phản ánh qua tiến độ xây dựng hàng loạt các dự án quan trọng như: Sân bay Long Thành, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, các tuyến cao tốc; Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm thương mại tự do tại Bà Rịa – Vũng Tàu (khu Cái Mép – Thị Vải)… Qua đó, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển ngành thương mại, xuất nhập khẩu.
Làm việc cật lực xuyên Tết, bất kể ngày đêm là không khí tại đại công trường sân bay quốc tế Long Thành những tháng vừa qua để đạt mục tiêu đưa sân bay chính thức hoạt động vào năm 2026. (Ảnh: Cafer)
Cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) là dự án trọng điểm quốc gia với tổng mức đầu tư hơn 336.000 tỷ đồng (tương đương 16 tỷ USD, theo tỷ giá khi được Quốc hội phê duyệt năm 2013). Đây sẽ là sân bay lớn nhất nước ta trong tương lai với diện tích gần 54 km2. Công suất phục vụ lên đến 100 triệu hành khách/năm, tương đương dân số Việt Nam. (Ảnh: Cafer)
Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: VNEconomy)
Thúc đẩy nhiều giải pháp xúc tiến thương mại
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, thặng dư thương mại hơn 10 tỷ USD là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp. Tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghiệp, chuyển đổi số cùng các chính sách ưu đãi để duy trì đà tăng trưởng trong năm 2025.
Với các dự án đầu tư lớn như Nhà máy Lego trị giá 1,3 tỷ USD dự kiến hoạt động đầu năm 2025, nhà máy Pandora hơn 150 triệu USD… Bình Dương đang dần khẳng định vị thế “thủ phủ” công nghiệp, đồng thời hướng tới trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ xanh và bền vững.
Sở Công Thương Bình Dương cho biết sẽ tiếp tục tăng cường kết nối, giao lưu, xúc tiến thương mại và cung cấp thông tin kịp thời cho hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp thông qua các chương trình giao ban định kỳ hàng tháng của Bộ Công Thương.
Bình Dương đang phát triển công nghiệp theo chiều sâu, đẩy mạnh ứng dụng, đổi mới công nghệ và giảm dần tỷ trọng các ngành công nghiệp thâm dụng lao động ( Ảnh: Trang tin điện tử tổng hợp)
Tỉnh Bình Dương cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghiệp và logistics, tập trung nâng cấp các trung tâm logistics và mở rộng kết nối vận tải, đặc biệt là các tuyến đường chiến lược liên kết cảng và khu công nghiệp. Đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, từ tiếp cận thị trường quốc tế, tổ chức hội chợ, đến các chương trình kết nối giao thương.
Bên cạnh đó, Bình Dương tập trung vào việc nâng cao tay nghề cho người lao động, cải tiến quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn yêu cầu khắt khe từ thị trường Hoa Kỳ và châu Âu. Tỉnh cũng khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ xanh, đầu tư vào sản phẩm thân thiện với môi trường để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế về sản phẩm bền vững.
Theo Sở Công Thương Đồng Nai, thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại cả ở trong nước và nước ngoài, trong đó tập trung mở rộng, đa dạng hóa, đa phương hóa thị trường, tránh việc phụ thuộc vào một số thị trường chủ yếu và tranh thủ xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng. Mặt khác, đẩy mạnh xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, tăng tỷ trọng hàng xuất khẩu qua chế biến sâu và phát triển mạnh một số mặt hàng mới có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.
Thông qua việc kết nối nguồn cung ứng nguyên liệu sản xuất trong nước, khắc phục tình trạng thiếu hụt nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, Đồng Nai cũng tiến hành nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh quá trình thông quan hàng hóa bằng cách phát triển hệ thống logistics và cải cách thủ tục hải quan… nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu.
Tỉnh Đồng Nai tăng cường tuyên truyền về các hiệp định tự do song phương, đa phương nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp để các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất cho phù hợp, tận dụng được tối đa các lợi thế mà các Hiệp định thương mại tự do mang lại. Tỉnh nâng cao chất lượng thông tin, dự báo thị trường, đặc biệt là các thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, EU, Trung Quốc,… kịp thời cảnh báo các quy định về rào cản, vấn đề phát sinh có thể gặp đối với hàng xuất khẩu.
Xem thêm tại đây