VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN LOGISTICS VIỆT NAM

VIETNAM LOGISTICS RESEARCH AND DEVELOPMENT INSTITUTE (VLI)

A subsidiary of Vietnam Logistics Business Association - VLA

Địa chỉ:
Điện thoại: (+84) 28 7301 8689

Tranh chấp về thời hiệu khởi kiện

vli

17/05/2023

“Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện” (Khoản 3 Điều 150 Bộ luật dân sự 2015 – BLDS 2015). Tuy vậy, phải trả hàng tỷ đồng chỉ vì không biết rằng thời hiệu khởi kiện (“thời hiệu”) đã hết hoặc có trường hợp thời hiệu lại là “vô hạn” (kiện khi nào cũng được), hay được “gia hạn” (không tính vào thời hiệu) qua một số vụ kiện dưới đây để bạn đọc thấy tầm quan trọng của thời hiệu.      

1. Bắt đầu lại thời hiệu

Người mua (Nguyên đơn) ký hợp đồng với Người bán (Bị đơn) để mua chè. Theo hợp đồng, Nguyên đơn đã ứng trước một số tiền cho Bị đơn nhưng sau đó, do chất lượng chè trên thị trường không được tốt nên ngày 20/8/2013 hai bên ký thỏa thuận, theo đó, Bị đơn phải trả lại số tiền đã nhận và tiền lãi cho Nguyên đơn. Ngày 15/12/2014 các bên lập văn bản xác nhận Bị đơn còn nợ Nguyên đơn 4 tỷ đồng tiền ứng trước. Do Bị đơn không trả nợ nên ngày 05/01/2017 Nguyên đơn kiện Bị đơn tại trọng tài.   

Hội đồng Trọng tài nhận thấy theo Điều 33 Luật Trọng tài Thương mại 2010 thì “trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác, thời hiệu khởi kiện theo thủ tục trọng tài là 02 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm”. Pháp luật về trọng tài thương mại không quy định về hệ quả của hết thời hiệu nhưng theo pháp luật về dân sự thì “… nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện” (Khoản 3 Điều 150 Bộ luật Dân sự 2015 – BLDS 2015). Hội đồng Trọng tài xác định đây là tranh chấp thương mại theo hợp đồng mua bán hàng hóa nên thời hiệu khởi kiện là 02 năm kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm hại (Điều 319 Luật Thương mại 2005). Do đó, thời hiệu khởi kiện 2 năm đã hết (Đơn khởi kiện ghi ngày 05/01/2017). Tuy vậy, Bị đơn xác nhận (sau khi bị kiện) rằng họ không phủ nhận khoản tiền còn nợ Nguyên đơn dù thời hiệu khởi kiện đã hết mà chỉ đề nghị Nguyên đơn xem xét lại (miễn/giảm) yêu cầu đòi tiền lãi do chậm thanh toán. Như vậy là Bị đơn thừa nhận vẫn còn nợ Nguyên đơn khoản tiền gốc, không có tranh chấp về khoản tiền này mà chỉ có tranh chấp về khoản tiền lãi. 

Việc thừa nhận còn nợ khoản tiền gốc làm cho thời hiệu khởi kiện vẫn còn theo quy định tại Điều 157 BLDS 2015 như sau: “1. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp sau đây: a) Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện”. Do đó, thời hiệu khởi kiện bắt đầu lại với thời hạn 02 năm kể từ ngày tiếp theo ngày Bị đơn thừa nhận còn nợ Nguyên đơn theo khoản 2 Điều 157 BLDS 2015: “thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện quy định tại khoản 1 Điều này [Bị đơn đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ]”. Hội đồng Trọng tài quyết định thời hiệu khởi kiện vẫn còn và ra phán quyết buộc Bị đơn trả cho Nguyên đơn số tiền ứng trước là 4 tỷ đồng. 


2. Không áp dụng thời hiệu

Công ty A (Nguyên đơn) và Công ty B (Bị đơn) ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý trong đó có nội dung Nguyên đơn phải đặt cọc tiền và Bị đơn phải đảm bảo vụ kiện thành công. Kết quả không thành công. Hơn 2 năm sau, Nguyên đơn khởi kiện đòi hoàn trả tiền đặt cọc nhưng Bị đơn cho rằng thời hiệu là 2 năm đã hết nên Nguyên đơn mất quyền khởi kiện. Hội đồng Trọng tài nhận thấy Nguyên đơnđặt cọc (80% trị giá hợp đồng) có nghĩa là quyền sở hữu số tiền này vẫn thuộc Nguyên đơn.

 Bị đơn nhận số tiền đó không có nghĩa là quyền sở hữu đã thuộc về họ. Điều 155 BLDS 2015 quy định rằng “Thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong trường hợp sau đây: “… 2. Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu …” mà “Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu” trong đó có yêu cầu về đòi tài sản. Đòi tài sản là một biện pháp bảo vệ quyền sở hữu tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 164 BLDS 2015 như sau: “… Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại”. Do đó, Hội đồng Trọng tài quyết định không áp dụng thời hiệu trong trường hợp này hay nói cách khác là việc giải quyết vụ tranh chấp này không bị ảnh hưởng bởi thời hiệu 2 năm theo Điều 33 Luật Trọng tài Thương mại 2010 (Luật TTTM”) như sau: “Trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác, thời hiệu khởi kiện theo thủ tục trọng tài là 02 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm”.

3. Thời gian không tính vào thời hiệu

Công ty vận tải (Nguyên đơn) ký hợp đồng bảo hiểm tàu biển với với Công ty bảo hiểm (Bị đơn). Tại văn thư ngày 03/01/2017 Nguyên đơn báo cho Bị đơn biết tàu biển của Bị đơn bị tai nạn hàng hải. Bị đơn đã nhận được thông báo này và nhiều lần sau đó yêu cầu Nguyên đơn bổ túc hồ sơ, chờ biên bản giám định tổn thất. Sau khi nhận được biên bản giám định tổn thất, ngày 13/02/2020 Bị đơn thông báo tổn thất không thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm và thời hiệu đã hết. Nguyên đơn kiện tại trọng tài. Hội đồng Trọng tài nhận thấy ngay sau khi tàu gặp tai nạn, Nguyên đơn đã có văn thư thông báo ngày 03/01/2017 và Bị đơn xác nhận đã nhận được văn thư này. Tại các văn thư ngày 06/01/2017, 12/01/2017 và 28/02/2017 Bị đơn yêu cầu bổ túc hồ sơ vì phạm vi trách nhiệm bảo hiểm của Bị đơn là chưa rõ ràng. Tại một số văn thư sau đó, Bị đơn cho biết đang yêu cầu công ty giám định thu thập thêm tài liệu để hoàn tất báo cáo giám định tổn thất nhằm có hướng giải quyết bồi thường cho Nguyên đơn.

Hội đồng Trọng tài nhận thấy từ ngày 03/01/2017 đến trước ngày 13/2/2020 Nguyên đơn không nhận được bất kỳ văn thư nào từ chối trách nhiệm bảo hiểm của Bị đơn. Ngược lại, Bị đơn chỉ yêu cầu Nguyên đơn bổ túc hồ sơ, chờ kết quả giám định tổn thất. Như vậy, vụ việc vẫn đang trong quá trình xem xét, Nguyên đơn vẫn chờ kết luận của Bị đơn mà chưa thực hiện quyền khởi kiện của mình. Khoản 1 Điều 156 BLDS 2015 quy định như sau: “Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, … là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây: … 1. trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu” và “… trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình”.  Do đó, thời gian từ ngày 03/01/2017 đến ngày 13/02/2020 không tính vào thời hiệu. Vì vậy, thời hiệu (3 năm) chưa hết nên Nguyên đơn vẫn có quyền khởi kiện Bị đơn./.

Tác giả: Luật sư/ Trọng tài viên Ngô Khắc Lễ (Cộng tác viên của VLI)