VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN LOGISTICS VIỆT NAM

VIETNAM LOGISTICS RESEARCH AND DEVELOPMENT INSTITUTE (VLI)

Trực thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam - VLA

ĐƠN VỊ CHỦ QUẢN

Địa chỉ:
Điện thoại: (+84) 28 7301 8689

Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh (LCI) của Việt Nam năm 2022

vlimonamedia

22/02/2024

Dự án “Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh (LCI) của Việt Nam năm 2022” đã được Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics (VLA) khởi xướng thực hiện nhằm thực hiện nhiệm vụ số 60 “Xếp hạng, đánh giá năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics và doanh nghiệp dịch vụ logistics” theo Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.

Dự án với sự tham gia của các đơn vị nghiên cứu gồm Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) và Dream Incubator (DI) với nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện nghiên cứu để phản ánh bức tranh chung về tình hình Logistics tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam thông qua tính toán chỉ số LCI. Đây là dự án với quy mô lớn, kéo dài với các báo cáo thường kỳ được thực hiện và trong báo cáo lần đầu thực hiện cho năm 2022 sẽ ưu tiên tập trung phân tích những tỉnh, thành phố tiêu biểu về hoạt động kinh tế và logistics theo 5 trụ cột gồm Kinh tế, Dịch vụ logistics, Khung pháp lý và chính sách, Cơ sở hạ tầng và Nguồn nhân lực logistics. Cụ thể, việc lựa chọn các tỉnh thành đưa vào không gian mẫu được thực hiện dựa trên tiêu chí là GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn), khối lượng hàng hóa luân chuyển (KLHHLC) và số lượng doanh nghiệp logistics. Các hạng mục đạt được do tuân thủ các tiêu chuẩn được xem xét trở thành các tiêu chí đánh giá chính thức sau này sẽ là cơ sở cho công tác tái đánh giá chỉ số LCI.

Kết quả của báo cáo tập trung vào việc xác định điểm số LCI, thứ tự xếp hạng đối với các địa phương và các đề xuất định hướng cho các báo cáo LCI trong những năm tiếp theo. Qua thực tế thu thập tại các địa phương, có thể thấy rằng với 26 tỉnh thành trong bảng đánh giá LCI năm 2022 cũng như các tỉnh thành khác của Việt Nam, những địa phương đã có đề án phát triển logistics được phê duyệt và đang triển khai, có sự thuận lợi rất nhiều trong thực hiện các giải pháp phát triển logistics và điểm xếp hạng khá tốt. Với các tỉnh thành có thứ hạng LCI cao, cũng có căn cứ để tiếp tục duy trì và triển khai mạnh mẽ các chính sách nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh. Với các tỉnh thành có thứ hạng LCI chưa tốt, cũng có động lực để cải thiện những điểm hạn chế và phát huy những điểm lợi thế để có thể nâng cao năng lực logistics.

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics (LCI) cấp tỉnh của Việt Nam năm 2022 thể hiện mong muốn của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam và Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam và các đối tác trong việc có một kết quả đánh giá xếp hạng khách quan về năng lực cạnh tranh logistics giữa các địa phương, qua đó, là căn cứ tham khảo quan trọng cho cơ quan quản lý nhà nước Trung ương và địa phương trong việc hoạch định và triển khai thực thi chính sách phát triển logistics ở tầm vĩ mô và vi mô nhằm nâng cao năng lực logistics của địa phương.  Đồng thời dự án này cũng là căn cứ quan trọng cho các tổ chức, doanh nghiệp trong việc định hướng chiến lược kinh doanh và ra quyết định đầu tư nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Đặc biệt, kết quả LCI sẽ là nguồn tham khảo có ý nghĩa quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển logistics hướng tới phạm vi liên kết vùng và thúc đẩy sự phát triển logistics của Việt Nam.