VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN LOGISTICS VIỆT NAM

VIETNAM LOGISTICS RESEARCH AND DEVELOPMENT INSTITUTE (VLI)

A subsidiary of Vietnam Logistics Business Association - VLA

Địa chỉ:
Điện thoại: (+84) 28 7301 8689

GEFE – cầu nối kinh tế xanh giữa Việt Nam và Châu Âu

vlimonamedia

23/10/2024

Doanh nghiệp Việt thêm cơ hội tiếp cận công nghệ, giải pháp xanh hóa từ những ông lớn toàn cầu, mở rộng cơ hội đến thị trường EU, thông qua diễn đàn thường niên GEFE – Green Economy Forum & Exihibition.

GEFE là diễn đàn hợp tác giữa Việt Nam, châu Âu, các chuyên gia quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp lớn, đa lĩnh vực. Qua hai lần tổ chức sự kiện thu hút hàng trăm chuyên gia, doanh nghiệp đầu ngành cùng các tổ chức chính phủ giải quyết những thách thức cấp bách về môi trường khu vực.

Bên cạnh thảo luận, GEFE còn thúc đẩy hành động thông qua các công nghệ năng lượng tái tạo, quản lý tài nguyên bền vững… Giới chuyên gia cho rằng sự kiện trở thành cầu nối hợp tác quan trọng giữa Việt Nam và châu Âu trong lộ trình đạt được các mục tiêu xanh, đơn cử như Net Zero vào năm 2050.

Thúc đẩy doanh nghiệp về “xanh hóa”

Năm 2021, trong khuôn khổ COP26, Việt Nam công bố mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero). Trọng tâm là cập nhật NDC, khung chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050 và PDP8. Net Zero đưa nước ta hướng đến cam kết chung với các nền kinh tế phát triển khác trên toàn cầu, đặc biệt là các nước châu Âu. Đi sau và là một nước đang phát triển, nhưng hàng loạt các chính sách được ban hành gần đây thể hiện sự quyết tâm của Việt Nam với hành trình chuyển đổi xanh.

Các chuyên gia cho rằng phát thải ròng bằng 0 không dễ dàng thực hiện nhưng cấp thiết. Nhu cầu về năng lượng trung bình tăng 8,5% mỗi năm, trong khi tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn. Thiên tai có xu hướng diễn biến ngày càng thất thường. Đơn cử là bão Yagi đầu tháng 9 và đợt mưa lũ làm hàng trăm người thiệt mạng, hơn 80.000 tỷ đồng thiệt hại tài sản. Thách thức này ảnh hưởng đến chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, buộc phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh.

Xuất phát từ nhu cầu của quốc gia, từ năm 2022, GEFE ra đời, tạo cầu nối cho doanh nghiệp, chuyên gia với các nhà hoạch định chính sách từ quốc tế, đặc biệt là châu Âu. Suốt ba năm qua, chương trình cung cấp nhiều thông tin, giải pháp và công nghệ, thúc đẩy hợp tác hướng đến phát triển bền vững.

Năm 2022, trong lần đầu diễn ra, sự kiện đón đến 6.000 người, hơn 160 diễn giả, tham gia đến 31 hội thảo, 185 nhà triển lãm trưng bày các sản phẩm, giải pháp, công nghệ xanh. Sang năm 2023, diễn đàn và triển lãm tiếp tục thu hút 80 chuyên gia từ nhiều lĩnh vực. Trong đó, lần đầu sự kiện đón những ông lớn quốc tế như Airbus, BlueScope, Copenhagen Infrastructure Partners (CIP), De Heus Vietnam, EDP Renewables Equinor cùng các tổ chức toàn cầu như Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB), Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Một loạt sáng kiến xanh được giới thiệu tại phiên thảo luận và quầy triển lãm. Nổi bật là các sáng kiến về giảm tác động nhà kính, khí thải carbon thông qua các sản phẩm. Năm 2023, 11 doanh nghiệp hàng đầu của Na Uy như Equinor, Norsk Solar, Scatec, Empower… chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn cùng nhiều ý tưởng mới trong các lĩnh vực điện gió ngoài khơi, hydro sạch, thu hồi và lưu trữ carbon, khí thiên nhiên hóa lỏng. Vinfast, Audi, Porsche và KPMG cũng mang đến các giải pháp về xe điện mới nhất.

Ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) – đơn vị giữ vai trò tổ chức, đánh giá những ý tưởng thiết thực giúp cộng đồng doanh nghiệp học hỏi và áp dụng cho quá trình chuyển đổi của chính mình. Thông qua đối thoại và trao đổi kiến thức, diễn đàn cũng giúp thay đổi góc nhìn của doanh nghiệp, dần chuyển sang các giải pháp xanh, ứng dụng quy trình sản xuất thân thiện môi trường và hình thành chuỗi cung ứng bền vững. “Từng bước, họ đang tiến gần hơn đến các mục tiêu lâu dài và đóng góp vào lộ trình Net Zero của Việt Nam”, ông Bruno Jaspaert khẳng định.

Thêm cơ sở về chính sách bền vững

Phát biểu tại GEFE 2022, ông Virginijus Sinkevicius, Cao ủy Liên minh châu Âu cho biết quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững có thể tạo ra 395 triệu việc làm vào năm 2030, mang lại 10.100 tỷ USD từ các cơ hội kinh doanh. Tuy nhiên, đại diện EU cũng khẳng định không quốc gia nào có thể tự thực hiện những thay đổi này. “Vì vậy, Châu Âu đã cam kết mạnh mẽ trong việc xây dựng các quan hệ đối tác quốc tế bền vững nhằm tạo điều kiện và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh”, ông Virginijus Sinkevicius nói.

Tham gia GEFE 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức là xu thế và lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Thủ tướng kêu gọi các quốc gia châu Âu, các doanh nghiệp đầu ngành đồng hành Việt Nam trong quá trình này. Đáp lại, đại diện Ủy ban châu Âu, các cơ quan cấp cao của nhiều quốc gia, hiệp hội doanh nghiệp cũng đưa ra nhiều thảo luận, chia sẻ nhằm thúc đẩy những thay đổi trong ngành công nghiệp xanh và đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi của đất nước.

Thông qua các buổi tọa đàm, các bên tham gia đã đưa ra ý kiến, đóng góp trong xây dựng, điều chỉnh chính sách như khung pháp lý xung quanh phát triển năng lượng tái tạo (PDP8), hỗ trợ kinh tế tuần hoàn, hỗ trợ chuyển đổi tài chính.

Diễn đàn hàng năm còn công bố báo cáo GEF. Báo cáo này đóng vai trò như “sách xanh”, đồng hành cùng Việt Nam tham dự COP. Đây cũng là tư liệu tham khảo cho các cơ quan chức năng trong việc điều chỉnh các chính sách, kế hoạch phù hợp hơn qua từng giai đoạn.

Ông Bruno Jaspaer cho biết, mỗi năm đơn vị đều mang những tài liệu, thông tin về GEFE để giới thiệu với Ủy ban EU trong các chuyến đi với Brussels. “Đây cũng là cầu nối để đưa nhiều dự án FDI xanh đến Việt Nam trong tương lai”, Chủ tịch EuroCham khẳng định.

Tiếp tục hướng tới tương lai xanh

Sau hai lần tổ chức, sự kiện được đánh giá đóng góp tích cực cho quá trình chuyển đổi xanh. Ở khía cạnh kinh tế – môi trường, nhiều bản ghi nhớ (MOU) đã được ký kết như của Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam với các đối tác để xây dựng năng lực đáp ứng quy định của châu Âu. Sự kiện cũng mở ra cơ hội trao đổi kinh nghiệm, kết nối đầu tư với các doanh nghiệp lớn trên thế giới.

Nối dài chuỗi giá trị trên, Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh 2024 sẽ tổ chức vào 21-23/10 tại TP HCM. Điểm mới của chương trình năm là thu hút thêm nhiều quốc gia châu Âu như Anh, Thụy Sĩ bên cạnh các thành viên khác của EU. Khuôn khổ sự kiện bao gồm gần 30 phiên hội thảo trải dài trên 10 chuyên đề xanh. Ngoài ra, chương trình mở rộng cơ hội tham gia cho các công ty Việt Nam và thiết kế nhiều hoạt động dành cho sinh viên.

Ông Bruno Jaspeart nhấn mạnh sẽ có nhiều hoạt động cùng với sinh viên để giải quyết những thách thức về biến đổi khí hậu, chuyển đổi nền kinh tế xanh.

Ông Julien Guerrier, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam đánh giá sự kiện tác động tích cực đến mối quan hệ của Việt Nam với các quốc gia châu Âu.

Sau 4 năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng lên, trở thành quốc gia có thị phần lớn nhất trong ASEAN. Ông Julien Guerrier khẳng định doanh nghiệp EU sẽ đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong định hướng trở thành nước phát triển vào năm 2045.

“GEFE 2024 là sự kiện mang tầm ASEAN vì thu hút nhiều doanh nghiệp trong khu vực. Chúng tôi cam kết cùng với Việt Nam chuyển đổi nền kinh tế xanh và GEFE là điểm đến để giới thiệu công nghệ của châu Âu hướng tới tương lai bền vững hơn”, ông Guerier nói.

Theo vnexpress.net