VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN LOGISTICS VIỆT NAM

VIETNAM LOGISTICS RESEARCH AND DEVELOPMENT INSTITUTE (VLI)

A subsidiary of Vietnam Logistics Business Association - VLA

Địa chỉ:
Điện thoại: (+84) 28 7301 8689

NGƯỜI GIAO NHẬN CÓ PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI HÀNG GIẢ ĐÓNG TRONG CONTAINER HAY KHÔNG?

vlimonamedia

14/10/2024

Vận đơn dùng cho tàu chở container thường ghi “người giao hàng đóng hàng, kiểm đếm, và niêm phong” (Shipper’s load, count, and seal), đôi khi thêm “stow” (sắp xếp) – “người giao hàng đóng hàng, kiểm đếm, sắp xếp và niêm phong” (Shipper’s load, count, stow and seal), tự khai báo hàng trong container là…) (said to contain…); có vận đơn còn bổ sung “chi tiết do người giao hàng tự kê khai, người vận chuyển không chịu trách nhiệm và không đại diện cho hàng hóa (particulars furnished by the shipper,  but without responsibility of or representation by the carrier). Tuy vậy, nếu hàng trong container là hàng giả, một số chủ thương hiệu có hàng bị làm giả đã khởi kiện người  giao nhận.

Vụ kiện dưới đây (tóm lược qua tài liệu, bản tin pháp luật của nước ngoài) của hai thương hiệu nổi tiếng Burberry và Louis Vuitton qua hai cấp xét xử của Tòa án cho thấy người giao nhận cần thận trọng hơn nữa trong việc xử lý các container không xác định được chính xác hàng hóa bên trong là thật hay giả để bạn đọc tham khảo.

Vào tháng 3 năm 2013, hai container hàng được các công ty Trung Quốc vận chuyển bằng tàu chở container cỡ lớn từ Trung Quốc đến Singapore, dự định vận chuyển tiếp đến Batam (Indonesia) bằng các tàu biển cỡ nhỏ (tàu gom hàng – feeder) vì cảng Batam không đón được tàu cỡ lớn. Megastar Shipping Pte Ltd (“Megastar”) đã được một công ty giao nhận của Indonesia đứng tên là người nhận hàng (consignee) và làm thủ tục hải quan để chuyển tải (transshipment) các container này đến Batam. Megastar đã nhận được các phiếu đóng gói (packing list), tài liệu, chứng từ ghi là hàng tiêu dùng gia đình (household goods), hàng thông thường vô hại (innocuous generic merchandise) và hóa đơn thương mại mô tả chi tiết hàng hóa của cả hai container.

Khi đến Singapore, các container đã bị Hải quan Singapore kiểm tra và thu giữ gần 31.000 mặt hàng giả mang thương hiệu hàng xa xỉ của hai hãng trên, bao gồm túi xách, giày, thắt lưng và phụ kiện thời trang sản xuất tại Trung Quốc, nhiều khả năng đã được bán với giá tổng cộng hơn một triệu đô la Mỹ. Những mặt hàng không bị thu giữ đã được vận chuyển đến Batam. Tiếp theo là toàn bộ số hàng giả bị tiêu hủy. 

Ngay sau đó, Burberry, Louis Vuitton và ba thương hiệu khác đã kiện Megastar bằng những vụ kiện riêng biệt, cho rằng công ty này đã vi phạm thương hiệu của họ bằng cách nhập khẩu hoặc xuất khẩu hàng hóa theo Đạo luật về Thương hiệu (Cap 332, 2005 Rev Ed). Vào tháng 11 năm 2017, Thẩm phán Wei đã bác các yêu cầu của họ khi cho rằng Megastar không phải là nhà nhập khẩu và không có hành vi xuất khẩu do hàng bị Hải quan Singapore tịch thu.

Chỉ có Burberry và Louis Vuitton – đại diện bởi hãng luật Ravindran Associates LLP – đã kháng án bản án Sơ thẩm. Phiên tòa Phúc thẩm vào tháng 9 năm 2018 có các Thẩm phán Andrew Phang, Judith Prakash và Tay Yong Kwang tham dự. Tòa đã ra phán quyết y án sơ thẩm. Giáo sư luật học David Llewelyn thuộc Trường đại học Quản trị Singapore được mời làm chuyên gia cho Tòa án (amicus curiae) để đệ trình một số vấn đề pháp lý liên quan đến nhập khẩu và xuất khẩu theo Đạo luật về Thương hiệu. Trong bản án được tuyên bời Thẩm phán Tay vào thứ Hai (ngày 07 tháng 01 năm 2019), Tòa Phúc thẩm đã đồng ý với quan điểm của Thẩm phán Wei, và không đồng ý với ý kiến của Giáo sư Llewelyn, rằng “nhập khẩu” theo nghĩa của Đạo luật về Thương hiệu chỉ bao gồm hàng hóa quá cảnh (transit) và cho rằng tinh thần và lời văn của Đạo luật này không yêu cầu  hàng hóa phải được đưa vào thị trường Singapore.


Tòa án cũng quyết định rằng, một ý định đơn thuần là xuất khẩu hàng hóa vi phạm thương hiệu, hoặc chỉ riêng hành vi nhập khẩu hoặc xuất khẩu hàng hóa vi phạm thương hiệu không đủ để cấu thành hành vi vi phạm thương hiệu. Nhà nhập khẩu và/hoặc nhà xuất khẩu phải có ý định nhập hoặc xuất hàng hóa có vi phạm thương hiệu và đặc biệt là họ biết hoặc có lý do để tin rằng thương hiệu đó đã được sử dụng trên hàng hóa, trước khi có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý về vi phạm thương hiệu. 

Trên thực tế của trường hợp này, không có gì phải bàn cãi về việc Megastar chưa bao giờ kiểm tra trực quan, cụ thể hàng hóa đóng trong các container, và do đó không có lý do gì để tin rằng có dấu hiệu của hàng giả. Các tài liệu  do người giao nhận Indonesia  cung cấp cũng không làm phát sinh bất kỳ nghi ngờ hợp lý nào.

Tòa phúc thẩm đã bác hai đơn kháng cáo của các thương hiệu hàng xa xỉ là Burberry và Louis Vuitton dựa trên phán quyết của Thẩm phán George Wei tại Tòa Sơ thẩm, quyết định rằng công ty giao nhận vận tải Megastar không phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với hai container còn nguyên niêm phong (sealed) có chứa hàng giả mang thương hiệu của hai hãng hàng xa xỉ nêu trên.

Từ các nhận định đó, Tòa phúc thẩm quyết định rằng Megastar được coi là một người kinh doanh trung thực, họ chỉ đơn thuần là cung cấp dịch vụ thương mại trong quá trình kinh doanh thông thường, và việc cho rằng họ vi phạm thương hiệu là trái với quy định của Đạo luật về Thương hiệu; Tòa phúc thẩm Singapore đã ra Phán quyết rằng Công ty Megastar Shipping Pte Ltd (“Megastar”) không chịu trách nhiệm đối với hành vi xâm phạm thương hiệu qua việc giao nhận hàng giả.

Tuy vậy, Tòa phúc thẩm cũng lưu ý rằng, với những sửa đổi gần đây của Luật sở hữu trí tuệ ở Singapore bắt đầu vào tháng 10 năm ngoái thì các công ty giao nhận cũng có nghĩa vụ thông báo cho chính quyền bất kỳ thông tin liên quan nào nếu họ biết đó là hàng giả.

Tin thêm: ngày 29/01/2019, FIATA dẫn nguồn tin trên “Thời báo Eo biển” (The Straits Times) rằng 02 hãng hàng xa xỉ là Burberry and Louis Vuitton đã thua trong vụ kiện người giao nhận thu xếp chuyển tài qua Singapore 02 container loại 40 feet hàng giả.

Luật sư / Trọng tài viên Ngô Khắc Lễ