TP Hồ Chí Minh: Hướng xây dựng Trung tâm trung chuyển quốc tế
vlimonamedia
25/03/2024
TPHCM đặt mục tiêu đưa Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của TPHCM và khu vực nhằm thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong và ngoài nước tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải.
Giảm cự ly vận chuyển từ 30-70%
UBND TPHCM vừa trình Thủ tướng Chính phủ lần thứ hai Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, sau lần trình đầu tiên vào tháng 8/2023. Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được dự kiến khai thác trước năm 2030, tạo ra hơn 8.000 việc làm và đóng góp cho ngân sách TPHCM hàng chục nghìn tỷ đồng.
Trước đó, sau khi TPHCM trình đề án, tháng 9/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu TPHCM khẩn trương làm rõ luận cứ về tác động, xung đột kinh tế của bến Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với các bến cảng biển hiện hữu, hệ thống cảng biển theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời, đánh giá ảnh hưởng giữa phát triển bến Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, hạ tầng phục vụ bến cảng tới quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
Sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, UBND TPHCM đã tổ chức hội nghị để nghe ý kiến góp ý đề án. Sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cảng và các cơ quan, đơn vị liên quan. Cụ thể, mục tiêu đặt ra là đưa Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của TPHCM và khu vực. Qua đó thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong và ngoài nước tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải.
Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm, Tổng Giám đốc cảng Sài Gòn cho biết, vận tải biển đang chiếm khoảng 90% tổng lượng vận tải toàn cầu. Từ 1980 đến nay, tăng trưởng từ 5%-10%/năm. Sản lượng vận tải container tăng từ 36 triệu TEU (năm 1980) lên 237 triệu TEU (năm 2000), 545 triệu TEU (2010) và 816 triệu TEU (2020). Dự kiến đạt 978 triệu TEU vào năm 2025.
Thống kê cho thấy, gần 60% khối lượng vận tải container đi qua biển Đông. Dự báo đến năm 2030, thông qua các cảng khu vực Đông Nam Á, sản lượng hàng container trung chuyển quốc tế sẽ chiếm trên 30%. Theo đó, lượng hàng trung chuyển qua khu vực Đông Nam Á vào năm 2030 đạt khoảng 84,6 triệu TEU và 104,3 triệu TEU vào năm 2040.
Hàng container trung chuyển khoảng 28% – 30% tổng khối lượng hàng vận tải container toàn cầu, tương đương 274 – 293 triệu TEU (năm 2025). Đông Nam Á chiếm khoảng 30% lượng hàng trung chuyển, tương đương 82 – 88 triệu TEU (năm 2025). Dự báo 100 triệu TEU qua eo Malacca (năm 2030). Trong khi đó, công suất các cảng trung chuyển quốc tế tại Đông nam Á khoảng 53,6 triệu TEU nên cơ hội cho các cảng mới, trong đó có cảng Cần Giờ là 28,4 – 34,4 triệu TEU…
Hiện nay, hàng hóa tại các khu vực trên chủ yếu được trung chuyển tại Singapore và Malaysia. Nếu hàng hóa trung chuyển tại Cần Giờ thì cự ly vận chuyển giảm khoảng 30-70% so với đến Singapore.
Đóng góp ngân sách đến 40.000 tỷ đồng/năm
Theo đề án của TPHCM, tổng mức đầu tư dự kiến của Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ khoảng 129.000 tỉ đồng. Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến có tổng chiều dài cầu cảng chính khoảng 7 km và bến sà lan dài 2 km. Tổng diện tích xây dựng khoảng 571 ha, cảng có khả năng khai thác siêu tàu container, tàu trung chuyển 65.000 tấn, sà lan 8.000 tấn. Việc đầu tư cảng theo 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 có thể khai thác từ năm 2027, và hoàn thiện vào năm 2045 với 7 bến chính.
Theo UBND TP.HCM, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ là cảng xanh. Việc phát triển cảng sẽ đồng bộ, hiện đại, ứng dụng công nghệ thông minh, tự động hóa trong hoạt động quản lý vận hành khai thác cảng; đảm bảo các yếu tố hiệu quả kinh tế- xã hội, bảo vệ môi trường, đặc biệt là bảo vệ giữ gìn Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
Ước tính với sản lượng hàng hóa năm đầu tiên qua cảng đạt khoảng 2,1 triệu TEU. Sau 7 giai đoạn đầu tư, lượng hàng qua cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể đạt 16,9 triệu TEU vào năm 2047 – bằng một nửa sản lượng Singapore hiện nay. Khu cảng dự kiến đóng góp vào ngân sách 34.000 – 40.000 tỷ đồng mỗi năm khi khai thác hết công suất.
Ngoài khu cảng, TPHCM cũng đầu tư các công trình phục vụ cho hoạt động khai thác cảng như khu nhà ở cán bộ, người lao động, chuyên gia dự kiến khoảng 68 ha. Khu nhà làm việc cơ quan nhà nước về cảng biển như cảng vụ Hàng hải, Hải quan, Biên phòng cửa khẩu và cơ quan kiểm tra chuyên ngành rộng khoảng 4 ha.
Về nguồn vốn, cảng trung chuyển, khu công trình phụ trợ phục vụ hoạt động khai thác cảng, trung tâm dịch vụ logistics và khu vực phi thuế quan sẽ đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp (nhà đầu tư). Còn hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật kết nối cảng sẽ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn đầu tư hợp tác công tư (PPP) hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác…
Theo UBND TPHCM, việc xây dựng cảng trung chuyển Cần Giờ là để hiện thực hóa các nghị quyết của Đảng và Nhà nước về phát triển vùng Đông Nam Bộ. TPHCM dự kiến giai đoạn năm 2023 – 2024 sẽ chuẩn bị đầu tư, từ năm 2024 – 2026 sẽ xây dựng cảng, mục tiêu sớm khởi công dự án từ 2025 để đưa vào khai thác cảng trước năm 2030.
Nguồn: Tạp chí Hải quan
Nhãn