VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN LOGISTICS VIỆT NAM

VIETNAM LOGISTICS RESEARCH AND DEVELOPMENT INSTITUTE (VLI)

A subsidiary of Vietnam Logistics Business Association - VLA

Địa chỉ:
Điện thoại: (+84) 28 7301 8689

Tranh chấp về bảo hiểm cháy nổ

vli

14/09/2023

Năm 2018, một vụ cháy kho hàng tại Tp. Hồ Chí Minh gây thiệt hại hơn 15 tỷ đồng. Ngọn lửa có thể đã được dập tắt ngay nếu việc tập dượt chữa cháy (mô phỏng) được thực hiện tốt. Xin nêu tóm tắt để bạn đọc tham khảo.    

 Tóm tắt sự việc 

Nguyên đơn (“NĐ”) – người được bảo hiểm – ký Hợp đồng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc mở rộng các rủi ro đặc biệt (“HĐ”) với Bị đơn (“BĐ”). Đối tượng bảo hiểm là nhà điều hành, nhà kho và giá trị hàng hóa tồn kho tối đa; quy tắc bảo hiểm là Thông tư số 220/2010/TT-BTC ngày 30/12/2010 hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc của Bộ Tài chính, Quy tắc bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt của BĐ. Theo Báo cáo giám định, lửa bất ngờ bùng phát từ khu vực kho hàng của NĐ thuê để chứa hàng hóa cho khách hàng. Đám cháy sau đó nhanh chóng lan ra khu vực xung quanh, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà kho và hàng hóa bên trong kho bị cháy và phá hủy hoàn toàn. Điểm phát cháy là trên dây cáp điện nối vào hộp điều khiển bên trong văn phòng kho; nguyên nhân tổn thất là do chập điện. NĐ đã nhiều lần yêu cầu BĐ bồi thường tổn thất nhưng BĐ cho rằng tổn thất không thuộc trách nhiệm bảo hiểm nên từ chối bồi thường. 

Nội dung tranh chấp  

NĐ cho rằng đã ký hợp đồng bảo hiểm liên tục nhiều năm với BĐ cho cùng một loại hàng hoá. NĐ kinh doanh dịch vụ vận tải, kho vận và giao nhận hàng. Do đó, hàng hóa trong kho là của khách hàng do NĐ lưu kho, trông giữ, giao nhận và vận chuyển. Khi bán bảo hiểm, hai bên đã biết rõ là bảo hiểm cho hàng hóa ký gửi tại kho. Căn cứ kết quả điều tra của cơ quan công an, nguyên nhân tổn thất là do cháy hàng hóa xảy ra trong tình huống bất ngờ, nằm ngoài khả năng của NĐ trong việc áp dụng các biện pháp cứu chữa và hạn chế tổn thất. Căn cứ vào phạm vi trách nhiệm quy định trong Hợp đồng bảo hiểm thì đây là tổn thất thuộc nhóm rủi ro “cháy, nổ”, là rủi ro được bảo hiểm.

BĐ xác nhận nguyên nhân tổn thất thuộc trách nhiệm bảo hiểm. Tuy vậy, căn cứ khoản (i) Điều 16 Thông tư 220/TT-BTC  quy định về điểm loại trừ: “Doanh nghiệp bảo hiểm không có nghĩa vụ bồi thường nếu thiệt hại do một trong những nguyên nhân sau đây gây ra: Hàng hóa nhận ủy thác hay ký gửi trừ khi những hàng hóa đó được xác nhận trong Giấy chứng nhận bảo hiểm là được bảo hiểm và bên mua bảo hiểm trả thêm phí bảo hiểm theo quy định”.Căn cứ điểm (a) khoản 2, điểm loại trừ trong quy tắc Hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt là “Hàng hóa ủy thác hoặc ký gửi […] trừ khi được ghi nhận là được bảo hiểm trong trường hợp này.” Hàng hóa tổn thất là loại ủy thác, ký gửi, trông coi bảo quản và vận chuyển nên không thuộc trách nhiệm bảo hiểm

Về đề phòng và hạn chế tổn thất, BĐ cho rằng, thông thường trong trường hợp báo động giả, nhân viên bảo vệ (“bảo vệ”) phải tắt tiếng báo động bíp bíp trên hộp điều khiển báo cháy trung tâm, tuy nhiên tín hiệu báo cháy vẫn không tắt. Lúc này, bảo vệ mở cửa phòng mình, nhìn về phía khu vực kho có phát tín hiệu báo cháy và phát hiện thấy có nhiều khói đen và ánh lửa phát ra từ khu vực nhà kho nói trên. Ngay lập tức, bảo vệ chạy ra khỏi phòng, và sang phòng bảo vệ của công ty bên cạnh hô hoán báo cháy. Sau đó, bảo vệ chạy về ngắt cầu dao tổng và gọi điện cho lãnh đạo công ty. Như vậy, lẽ ra phải ngắt cầu dao điện khi hết giờ làm việc để tránh cháy nổ xảy ra nhưng NĐ không thực hiện. BĐ cho rằng, tổn thất là do một phần lỗi của NĐ và họ không có trách nhiệm bồi thường theo HĐ.

Phán quyết trọng tài

Hội đồng Trọng tài (“HĐTT”) nhận thấy, theo Báo cáo giám định thì nguyên nhân tổn thất là do chập điện dẫn đến toàn bộ hàng hóa bị cháy và phá hủy hoàn toàn. Cũng theo Báo cáo này: “căn cứ vào phạm vi trách nhiệm bảo hiểm quy định trong hợp đồng bảo hiểm, chúng tôi xác nhận rằng tổn thất nói trên thuộc nhóm rủi ro “cháy, nổ”, là rủi ro được bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm hiện hành”. Theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2010 (“Luật kinh doanh bảo hiểm”) thì trách nhiệm bảo hiểm của BĐ đã phát sinh khi “Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm”. NĐ đã đóng đủ và đúng hạn phí bảo hiểm.

BĐ không cung cấp được bằng chứng về việc đã giải thích rõ cho NĐ về điều khoản (điểm) loại trừ trách nhiệm bảo hiểm (hàng hóa ủy thác hoặc ký gửi) khi giao kết HĐ theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật kinh doanh bảo hiểm: “Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm phải được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng” và khoản (i) Điều 16 Thông tư 220/TT-BTC. Căn cứ trình bày của các bên và quy định của pháp luật, HĐTT quyết định điều khoản (điểm) loại trừ trách nhiệm bảo hiểm nêu trên và điểm (a) khoản 2 Điều III về những điều khoản loại trừ áp dụng chung cho tất cả các rủi ro của Quy tắc bảo hiểm của BĐ không được áp dụng do BĐ vi phạm nghĩa vụ giải thích rõ cho NĐ về điểm/điều khoản loại trừ khi giao kết HĐ, và chấp nhận yêu cầu bồi thường của NĐ. BĐ phải bồi thường toàn bộ số tiền bảo hiểm sau khi trừ đi mức khấu trừ và số tiền NĐ đồng ý giảm bớt trên cơ sở thiện chí.   

Bài học kinh nghiệm 

1. Đối với hàng hoá, trên thực tế, bên mua bảo hiểm có thể không biết rõ là hàng uỷ thác hay ký gửi nhưng doanh nghiệp bảo hiểm bắt buộc phải biết tính chất sở hữu của hàng hóa để ký hợp đồng phù hợp. 

2. Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích những điều khoản loại trừ và có bằng chứng về việc này; không vì sợ giải thích thì bên mua bảo hiểm không mua dịch vụ vì khi có tranh chấp, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ ở thế bất lợi nếu không giải thích.

3. Về phòng tránh tổn thất, doanh nghiệp bảo hiểm cần yêu cầu thực hành chữa cháy giả định để hạn chế tổn thất do lúng túng khi hỏa hoạn xảy ra. Chi phí phòng tránh thấp hơn nhiều so với số tiền bồi thường. Trong vụ này, nếu được thực tập nghiêm túc, cầu giao điện sẽ được ngắt khi không sử dụng hoặc ngay khi xảy ra có khói đen (dấu hiệu cháy) hoặc lửa mới bùng phát.

4. Đối với bên mua bảo hiểm, cần có quy trình phòng chống cháy nổ và thực tập định kỳ ngay cả khi không có yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm vì dù được bồi thường, thiệt hại thực tế thường lớn hơn, chưa kể có tổn thất không thể khắc phục (chết người).  

5. Cảnh sát phòng cháy chữa cháy nên định kỳ kiểm tra, thực hành báo động giả để tránh tình trạng cháy do chập điện nhưng cầu giao điện lại được ngắt sau khi cháy khá lâu./.    

Tác giả: Luật sư/ trọng tài viên Ngô Khắc Lễ (Cộng tác viên của VLI)