VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN LOGISTICS VIỆT NAM

VIETNAM LOGISTICS RESEARCH AND DEVELOPMENT INSTITUTE (VLI)

A subsidiary of Vietnam Logistics Business Association - VLA

Địa chỉ:
Điện thoại: (+84) 28 7301 8689

Tranh chấp về điều khoản loại trừ trong hợp đồng bảo hiểm

vlimonamedia

25/10/2024

Bất đồng quan điểm giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên được bảo hiểm liên quan đến việc áp dụng hay không áp dụng các điều khoản loại trừ được quy định trong hợp đồng/điều khoản bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu và hợp đồng/điều khoản bảo hiểm thân tàu là một trong những nguyên nhân thường xảy ra tranh chấp trong tai nạn đâm va. Vụ tranh chấp dưới đây (tóm tắt) được giải quyết tại một trung tâm trọng tài cho thấy những lưu ý cần thiết về vấn đề nêu trên để bạn đọc tham khảo.

Ảnh minh họa

Tóm tắt sự việc: Cuối năm 2016, trên sông Đáy thuộc địa phận tỉnh Nam Định xảy ra vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa giữa tàu chở hàng (“PH”) chạy hướng từ phía hạ lưu đến thượng lưu đi Hà Nam đã đâm va với tàu chở hàng (“ĐN”) chạy theo hướng ngược lại. Hậu quả là tàu ĐN bị chìm (đắm) tại chỗ, tài sản và hàng hóa trên tàu bị tổn thất, tàu PH bị hư hỏng nhẹ.

Sau khi thu thập đủ hồ sơ tài liệu theo yêu cầu của công ty bảo hiểm (“BH”) thông qua công ty giám định do BH chỉ định, chủ tàu PG đã nộp cho BH hồ sơ đòi bồi thường tổn thất liên quan tới vụ tai nạn nhưng BH từ chối bồi thường. Vì vậy, Chủ tàu PH (Nguyên đơn) đã kiện BH (Bị đơn) tại một trung tâm trọng tài.

Quan điểm và yêu cầu của Nguyên đơn: Nguyên đơn lập luận rằng báo cáo giám định của công ty giám định (do BH chỉ định) cùng hồ sơ của công an và thực tế vụ tai nạn xác định vụ tai nạn xảy ra do lỗi vô ý của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông và bên mua bảo hiểm vi phạm pháp luật do vô ý nên điều khoản loại trừ không được áp dụng. Điều này được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 16 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 đã được sửa đổi bổ sung năm 2010 (“Luật KDBH”). Bị đơn phải bồi thường thiệt hại cho Nguyên đơn, trả tiền lãi của số tiền bồi thường và chịu toàn bộ chi phí tố tụng, chi phí luật sư và chi phí khác.

Quan điểm và yêu cầu của Bị đơn: Bị đơn cho rằng căn cứ Báo cáo kết luận điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa của cơ quan công an (“Kết luận điều tra”) và Báo cáo giám định cuối cùng của công ty giám định (“Báo cáo giám định”), có đủ cơ sở kết luận vụ tai nạn có nguyên nhân do Thuyền trưởng tàu HG và Thuyền trưởng tàu ĐN đã vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004 (“Luật GTĐTNĐ”), những người này đều có đủ sức khỏe, đã được đào tạo, có bằng cấp chuyên môn phù hợp. Không có bất kỳ chứng cứ, tài liệu nào về bất kỳ yếu tố nào có ghi nhận họ không trong trạng thái tinh thần minh mẫn tại thời điểm tàu đang hành trình bị tai nạn. Do đó, họ đều là những người có đủ năng lực hành vi dân sự, khả năng nhận thức, buộc phải thấy trước và chắc chắn thấy trước được hậu quả của hành vi không chấp hành quy tắc giao thông đường thủy nội địa của mình có thể sẽ gây thiệt hại cho người khác nhưng họ vẫn thực hiện hành vi vi phạm và thực tế đã xảy ra tai nạn gây thiệt hại. Khoản 2 Điều 308 Bộ luật Dân sự năm 2005 (“BLDS”) là cơ sở để nhận định họ đã vi phạm Luật GTĐTNĐ với lỗi cố ý. Căn cứ các điểm 4.1.8 và 5.1.8 của Điều khoản bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu và Điều khoản bảo hiểm thân tàu, vụ tai nạn này có nguyên nhân do họ đã vi phạm Luật GTĐTNĐ đều thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Mặt khác, họ (hai thuyền trưởng) đã vi phạm Luật GTĐTNĐ với lỗi cố ý nên không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 16 Luật KDBH. Xác nhận của cơ quan công an: “Vi phạm trên do lỗi hỗn hợp của 2 bên, do sơ suất bất cẩn vô ý khi điều khiển tàu” hoàn toàn mâu thuẫn với chính Kết luận điều tra và không đúng thẩm quyền. Do đó, Bị đơn đề nghị Hội đồng Trọng tài ra phán quyết từ chối toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn.

Quan điểm của Hội đồng Trọng tài (“HĐTT”): HĐTT thấy rằng nguyên nhân gây ra tai nạn là do Thuyền trưởng tàu HG đã vi phạm Luật GTĐTNĐ. Như vậy, nếu chỉ căn cứ vào các điểm 4.1.8 và 5.1.8 quy định trong Điều khoản bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu và Điều khoản bảo hiểm thân tàu, vụ tai nạn thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Tuy vậy, có áp dụng các điều khoản loại trừ nêu trên hay không phụ thuộc vào việc xác định hành vi vi phạm Luật GTĐTNĐ phát sinh từ lỗi cố ý hay vô ý của người vi phạm. Về lỗi cố ý, khoản 2 Điều 308 BLDS quy định: “Cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ ràng hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra”.

Theo quy định như trên của BLDS, HĐTT cho rằng lỗi cố ý được cấu thành bởi các yếu tố sau: (i) Nhận thức rõ ràng hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện; và (ii) Mong muốn thiệt hại xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra. HĐTT thấy rằng không có bất kỳ tài liệu, chứng cứ nào cho thấy người điều khiển phương tiện mong muốn tai nạn và thiệt hại xảy ra. Diễn biến sự cố theo khai báo tại trang 3 Báo cáo giám định ghi nhận: “Khi khoảng cách giữa hai tàu còn khoảng 100m, Thuyền trưởng tàu PH phát hiện tàu có hiện tượng bị sệt cạn, mũi tàu đổ sang phải (đổ ra giữa luồng) nên đã cho tới máy đồng thời bẻ lái sang trái để lấy hướng. Do tàu bị sệt cạn kết hợp với trớn tiến nên tính ăn lái chậm, mũi tàu cứ đổ sang phải, va vào mũi mạn phải của tàu ĐN”. Qua ghi nhận trên, có thể thấy rằng khi có nguy cơ va chạm, Thuyền trưởng tàu HG đã không để mặc cho tai nạn và thiệt hại xảy ra, mà trái lại, đã cố gắng áp dụng biện pháp cần thiết là bẻ lái sang trái để tránh va chạm nhằm ngăn chặn thiệt hại, nhưng không thành. HĐTT cho rằng hành vi của Thuyền trưởng tàu PH chưa hội tụ đủ các yếu tố cấu thành lỗi cố ý theo quy định của BLDS. Vì vậy, lập luận của Bị đơn về việc Chủ tàu PH vi phạm pháp luật giao thông đường thủy nội địa với lỗi cố ý không được HĐTT chấp nhận. Do Bị đơn không chứng minh được hành vi vi phạm Luật GTĐTNĐ là lỗi cố ý như phân tích ở trên, căn cứ xác nhận của cơ quan công an về việc “Vi phạm trên do lỗi hỗn hợp của 2 bên, do sơ suất bất cẩn vô ý khi điều khiển tàu”, HĐTT cho rằng vụ tai nạn thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 16 Luật KDBH: “Không áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong các trường hợp sau đây: a) Bên mua bảo hiểm vi phạm pháp luật do vô ý; […].. Vì vậy, HĐTT chấp nhận lập luận của Nguyên đơn và quyết định các điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm quy định tại các Điểm 4.1.8 và 5.1.8 trong Điều khoản bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu và Điều khoản bảo hiểm thân tàu không được áp dụng do bên mua bảo hiểm vi phạm pháp luật do vô ý.

Bình luận và lưu ý: Khi xảy ra tổn thất, doanh nghiệp bảo hiểm không nên chỉ dựa vào điều khoản loại trừ được quy định trong hợp đồng/điều khoản bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu, hợp đồng/điều khoản bảo hiểm thân tàu và quy định về lỗi cố ý mà cần phân tích kỹ yếu tố “vi phạm pháp luật do vô ý” vì đây là căn cứ để không áp dụng điều khoản loại trừ. Bài viết này chỉ nêu cơ sở pháp lý được HĐTT chấp nhận mà chưa đề cập đến cách tính toán cũng như số tiền bồi thường cụ thể được ghi trong Phán quyết trọng tài và sẽ được trình bày trong dịp phù hợp khác.

Ngô Khắc Lễ (Cộng tác viên của VLI)