Nghiên cứu xây dựng chiến lược và chính sách phát triển bền vững hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
vlimonamedia
22/02/2024
Dự án “Nghiên cứu xây dựng chiến lược và chính sách phát triển bền vững hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” là đề tài nghiên cứu cấp Tỉnh đã được UBND tỉnh Bình Dương ra quyết định số: 522/QĐ-UBND ngày 25/02/2021 về việc phê duyệt tổ chức chủ trì thực hiện đề tài là Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI).
Nghiên cứu này tập trung làm rõ các vấn đề logistics trọng tâm của tỉnh Bình Dương, gồm:
i) Đưa ra cơ sở khoa học và thực tiễn vững chắc cho các vấn đề logistics liên quan;
ii) Đánh giá tình hình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bình Dương và chỉ ra vai trò quan trọng của hệ thống logistics đối với sự phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bình Dương trong thời kỳ mới;
iii) Đánh giá thực trạng hệ thống logistics;
iv) Xây dựng, đánh giá các kịch bản phát triển hệ thống logistics của tỉnh Bình Dương theo các giai đoạn đến năm 2030, 2040 và năm 2050;
v) Trên cơ sở đó, nghiên cứu đưa ra định hướng và chiến lược phát triển phù hợp nhằm phát triển bền vững hệ thống logistics tỉnh Bình Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nghiên cứu đã chỉ ra các vấn đề cốt lõi trong thực trạng phát triển logistics tỉnh Bình Dương, cũng như những thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức của tỉnh Bình Dương gặp phải trong khi phát triển hệ thống logistics hướng đến bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Hơn nữa, nghiên cứu cũng đã đưa ra các kịch bản dự báo về tăng trưởng nhu cầu làm phát sinh các dịch vụ logistics thông qua đánh giá sản lượng vận chuyển hàng hóa; kim ngạch xuất nhập khẩu; tổng mức bán lẻ hàng hóa; doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải… theo hai kịch bản trung bình và cao đến năm 2050.
Để đảm bảo hệ thống logistics tỉnh Bình Dương phát triển bền vững, trên cơ sở phân tích thực trạng và phân tích kịch bản phát triển đến năm 2050, nghiên cứu đã đưa ra các nhóm giải pháp cần thiết cho tỉnh Bình Dương gồm:
i) Nhóm phát triển kết cấu hạ tầng logistics;
ii) Nhóm giải pháp ứng dụng CNTT để phát triển logistics;
iii) Giải pháp phát triển nguồn nhân lực logistics;
iv) Giải pháp phát triển nhà cung cấp dịch vụ logistics;
v) Giải pháp giảm chi phí logistics;
vi) Giải pháp hợp tác và liên kết vùng trong phát triển logistics;
vii) Nhóm giải pháp về các cơ chế chính sách quản lý nhà nước về logistics;
viii) Nhóm giải pháp giảm thiểu tác động môi trường – xã hội.