Đã có 45 tỉnh thành đã ban hành Kế hoạch phát triển dịch vụ Logistics
vlimonamedia
09/04/2024
Hiện có 45 tỉnh thành đã ban hành Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics; 47 tỉnh thành đã có báo cáo tình hình triển khai hoạt động logistics năm 2023;…
Thông tin được đưa ra tại cuộc họp trực tiếp và trực tuyến của Bộ Công Thương với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực logistics diễn ra sáng 5/4. Ông Nguyễn Anh Sơn – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chủ trì cuộc họp.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, ông Nguyễn Anh Sơn – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) – cho biết, với vị trí địa chính trị đặc biệt nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu mạnh, cùng với sự hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu và thương mại điện tử luôn ở mức hai con số, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các hoạt động logistics trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2023, Việt Nam đứng vị trí thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics (LPI – Logistics Performance Index), thuộc Top 5 ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines.
Tốc độ tăng trưởng logistics Việt Nam bình quân hàng năm từ 14 – 16%, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2023 lên 638 tỷ USD. Dịch vụ logistics Việt Nam không chỉ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập mạng lưới vận chuyển hiệu quả, kết nối thương mại trong nước với các thị trường quốc tế.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ, ngành, địa phương luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, đẩy mạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tối ưu hóa chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo lập môi trường thuận lợi cho ngành dịch vụ logistics phát triển.
Để thúc đẩy lĩnh vực này, kiện toàn cơ chế quản lý, tạo điều kiện cho dịch vụ logistics phát triển mạnh mẽ hơn nữa, tại Nghị định 96/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dịch vụ logistics.
Vừa qua, ngày 30/6/2023, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15/2023/TT-BCT về việc sửa đổi, bổ sung một số thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công Thương. Theo đó, bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ của Sở Công Thương về dịch vụ logistics.
Với mục tiêu hỗ trợ, hướng dẫn Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao đối với lĩnh vực quản lý nhà nước về logistics, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị về “Công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực dịch vụ logistics” nhằm trao đổi, phổ biến nội dung về công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực dịch vụ logistics được quy định tại Nghị định số 96/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 15/2023/TT-BCT của Bộ Công Thương.
Chia sẻ tại cuộc họp, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) – cho biết, hiện có 45 tỉnh thành đã ban hành Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics (triển khai Quyết định 200/221); 47 tỉnh thành đã có báo cáo tình hình triển khai hoạt động logistics năm 2023; 9 tỉnh thành đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, phát triển dịch vụ logistics của tỉnh; 5 tỉnh thành đã tổ chức tập huấn kiến thức logistics cho cán bộ địa phương.
Theo ông Trần Thanh Hải, hiện hầu hết các địa phương đã ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định 200/221; một số địa phương đã có sự chủ động trong triển khai; mức độ quan tâm, hiểu biết về logistics còn khác nhau, đặc biệt ở cấp lãnh đạo cao nhất của địa phương; tích hợp quy hoạch trung tâm logistics vào quy hoạch phát triển địa phương.
Về vai trò quản lý nhà nước với lĩnh vụ dịch vụ logistics ở các địa phương, ông Trần Thanh Hải cho hay, tại Thông tư số 15/2023/TT-BCT ghi rõ, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành và đơn vị liên quan tham mưu xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật, phương án phát triển dịch vụ logistics và chương trình, đề án phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh; điều phối, hỗ trợ các Sở, ban, ngành, các hiệp hội địa phương phát triển dịch vụ logistics và nâng cao năng lực doanh nghiệp logistics trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền, phổ biến, phát triển thị trường, kết nối doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu trên địa bàn.
Tại cuộc họp các đại biểu cùng nhau làm rõ các vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trong công tác quản lý nhà nước về dịch vụ logistics cũng như định hướng, đề xuất công tác điều phối, hợp tác giữa Bộ với các địa phương và giữa các địa phương với nhau để triển khai công tác quản lý đồng bộ, chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho dịch vụ logistics phát triển.
Theo ông Trần Thanh Hải, qua làm việc với các địa phương, vấn đề mà các Sở Công Thương đang vướng trong việc thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực logistics đó là:L không biết bắt đầu từ đâu, không biết phải làm cái gì, không biết làm như thế nào, không biết phối hợp với ai, không biết kinh phí từ đâu?.
Ông Trần Thanh Hải cho rằng, từ nhận thức đến hành động không chỉ dừng ở quan tâm mà còn quyết tâm, đồng tâm và nhất trí. Trong đó, sự hiểu biết, đồng hành, phối hợp của các cơ quan, Sở, ban, ngành tại các địa phương là hết sức quan trọng.
Gợi mở một số giải pháp, ông Trần Thanh Hải cho hay, bất kể lĩnh vực quản lý nhà nước nào cũng đều có sự liên quan của nhiều ngành khác nhau, cần có một ngành làm đầu mối. Sở Công Thương là cơ quan đầu mối, tham mưu cho lãnh đạo tỉnh về phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn. Sở Công Thương không làm thay chức năng, nhiệm vụ của các ngành khác mà chỉ đóng vai trò điều phối.
Về vấn đề kinh phí, có thể đến từ các nguồn từ ngân sách Trung ương gồm dự án đầu tư cấp quốc gia (sân bay, đường cao tốc,…), viện trợ phát triển (ODA); ngân sách địa phương; vốn doanh nghiệp;….
Nguồn: Congthuong.vn
Nhãn