VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN LOGISTICS VIỆT NAM

VIETNAM LOGISTICS RESEARCH AND DEVELOPMENT INSTITUTE (VLI)

A subsidiary of Vietnam Logistics Business Association - VLA

Địa chỉ:
Điện thoại: (+84) 28 7301 8689

Hội nghị Logistics Việt Nam 2024 “Chuyển đổi để bứt phá”

vlimonamedia

07/11/2024

Ngày 31 tháng 10 năm 2024, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục trưởng Bùi Thiên Thu đã tham dự Hội nghị Logistics Việt Nam năm 2024, cùng tham gia Hội nghị có Lãnh đạo Chi cục ĐTNĐ khu vực III, Cảng vụ ĐTNĐ khu vực III, IV và Văn phòng Cục.

Cục trưởng tham gia tọa đàm tại Hội nghị

Tham gia phiên tọa đàm tại Hội nghị, Cục trưởng đã nêu hiện trạng cơ sở hạ tầng logistics tại Việt Nam, những thách thức trong việc mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và đã nêu giải pháp giảm chi phí logistics lâu dài, bền vững bằng vận tải đường thủy nội địa.

Toàn cảnh Hội nghị Logistics Việt Nam 2024

Hiện trạng và thách thức đối cơ sở hạ tầng logistics tại Việt Nam

Đường bộ: toàn quốc có hơn 595.000 km chiều dài đường bộ, trong đó 2.021 km đường cao tốc; có 22 Cảng hàng không hiện đang khai thác; Đường sắt có tổng chiều dài 3.143 km với 277 ga, có 2 tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc tại Đồng Đăng và Lào Cai; Hàng hải có 34 cảng biển với trên 100 km cầu cảng, đội tàu gồm 1.015 tàu với tổng trọng tải 10,7 triệu tấn (đứng thứ 3 trong ASEAN và thứ 27 thế giới); Đường thủy nội địa đang tổ chức quản lý khai thác vận tải hơn 17.000 km đường thủy nội địa, 310 cảng, 6.322 bến thủy nội địa, 270.000 phương tiện (trong đó gần 3.000 phương tiện vận tải ven biển (VR – SB) hoạt động vận tải ven biển Bắc – Nam); 480.000 bằng, chứng chỉ thuyền viên đã được cấp; 352 cơ sở đóng tàu thủy nội địa; cả nước có 16 Cảng cạn (11 đã công bố, 05 ICD đã quy hoạch thành cảng cạn).

Cục trưởng đánh giá: Trong khi hầu như không có tuyến đường sắt kết nối đến cảng biển thì kết nối giữa đường bộ với cảng biển lớn (HP, QN, HCM, BR-VT) đang rất tắc nghẽn và dự báo sự tắc nghẽn giao thông tại các cảng biển lớn sẽ ngày càng nghiêm trọng khi sản lượng hàng hóa thông qua các khu cảng Cát Lái, Lạch Huyện, Cái Mép, Thị Vải… được dự báo tăng gấp đôi năm 2030.

“Hiện nay tại Việt Nam, chi phí logistics trung bình ở mức tương đương 16,8 – 17% GDP và vẫn còn ở mức khá cao so với mức bình quân chung của thế giới (hiện khoảng 10,6%), với tốc độ tăng lượng hàng hóa nêu trên, nếu cơ sở hạ tầng logistics không được cải thiện đúng mức sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu vận tải, khi đó chi phí logistics còn có khả năng tăng cao hơn so với thời điểm hiện tại, nếu không có giải pháp vận tải lâu dài, bền vững.” – Cục trưởng nhận xét.

Vận tải đường thủy nội địa, giải pháp giảm chi phí logistics lâu dài, bền vững

Hiện nay, vận tải chiếm 60% tổng chi phí logistics, việc giảm chi phí vận tải sẽ góp phần rất lớn trong giảm chi phí logistics, do vậy việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng logistics đáp ứng nhu cầu vận tải là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để mở rộng, nâng cấp hạ tầng đường bộ, đường sắt đáp ứng nhu cầu vận tải trong hiện tại cũng như trong giai đoạn đến năm 2030 cần đầu tư ngân sách nhà nước rất lớn (theo Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: nhu cầu vốn đối với đường bộ khoảng 900.000 tỷ đồng; đường sắt khoảng 240.000 tỷ đồng). Trong khi, nước ta được thiên nhiên ưu đãi với hơn 17.000 km đường thủy nội địa có thể khai thác giao thông, cùng tuyến vận tải ven biển dọc theo chiều dài đất nước, do vậy giải pháp lâu dài, bền vững là tăng cường đầu tư, tháo gỡ vướng mắc chính sách để phát triển lĩnh vực vận tải đường thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện VR-SB; Cục trưởng nêu các giải pháp đề xuất cụ thể như sau:

 (1) Thúc đẩy hoạt động vận tải sà lan container; vận tải đường thủy ven biển; đề xuất tạo thuận lợi trong việc nâng cấp hệ thống cảng cạn hiện hữu thành trung tâm logistics; Các ICD, cảng cạn, trung tâm logistics phải có cảng, bến thủy nội địa nằm trong cầu cảng; Các cảng biển phải có cầu, bến riêng cho sà lan (đưa vào điều kiện đầu tư, công bố cảng biển);

(2) Các địa phương cần có chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng như các tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế đã thực hiện, cụ thể tại cảng Chân Mây – Thừa Thiên Huế: (i) Hãng tàu biển/đại lý hãng tàu thực hiện trả hàng hoặc bốc hàng tại cảng Chân Mây theo tuyến với tần suất tối thiểu hai chuyến cập cảng mỗi tháng, áp dụng mức hỗ trợ 210.000.000 đồng/chuyến cập cảng. (ii) Doanh nghiệp xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa bằng container đi/đến cảng Chân Mây (trừ hàng tạm nhập tái xuất, hàng hóa quá cảnh), áp dụng mức hỗ trợ đối với container 20 feet là 800.000 đồng/container; đối với container 40 feet là 1.100.000 đồng/container;

(3) Đối với các tỉnh, thành đang bị ùn tắc nghiêm trọng các tuyến đường vào cảng (như TP. Hồ Chí Minh), cần có chính sách miễn, giảm phí hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp vận chuyển hàng bằng sà lan thông qua cảng biển để giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường (hiện đã có TP. Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh giảm 50% phí sử dụng hạ tầng cảng biển đối với hàng được vận chuyển bằng đường thủy, đặc biệt TP. Hồ Chí Minh miễn 100% phí hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa vận chuyển bằng sà lan trên tuyến đường thủy Hiệp định Việt Nam – Campuchia;

 (4) Mặc dù có điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi, tuy vậy ĐTNĐ cũng có những điểm nghẽn về hạ tầng, do vậy đề xuất Chính phủ, Bộ GTVT tăng đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa (hiện chỉ chiếm chưa đến 2% tổng NSNN đầu tư cho kết cấu hạ tầng toàn ngành giao thông) để giải quyết các điểm nghẽn như tĩnh không cầu thấp, đoạn luồng cạn… Theo nghiên cứu của WB: “Nếu giảm tỷ trọng đầu tư cho hạ tầng đường bộ 2 – 3%/năm  thì sẽ không gây tác động nhiều đến hiệu quả vận tải. Nhưng nếu tăng đầu tư cho vận tải đường thủy thêm 2-3%/năm (đạt khoảng 5-7% tổng đầu tư cho ngành giao thông) thì sẽ tác động tăng trưởng vận tải ĐTNĐ rất mạnh, mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho quốc gia, bởi chi phí trung bình/tấn-km của vận tải đường bộ cao gấp từ 3 đến 5 lần so với vận tải bằng đường thủy nội địa”.

(5) Đề xuất thành lập “Ủy ban Quốc gia điều hành chính sách vỹ mô về Logistics”, bên cạnh đó cần tăng cường liên kết giữa các vùng, các bộ ngành và các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương, địa phương với các doanh nghiệp, hiệp hội logistics.

Xem chi tiết tại: https://m.viwa.gov.vn/tin-tuc/-/asset_publisher/71URy46Cc2Ee/content/hoi-nghi-logistics-viet-nam-2024-chuyen-doi-de-but-pha-/10184