VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN LOGISTICS VIỆT NAM

VIETNAM LOGISTICS RESEARCH AND DEVELOPMENT INSTITUTE (VLI)

A subsidiary of Vietnam Logistics Business Association - VLA

Địa chỉ:
Điện thoại: (+84) 28 7301 8689

Huyện Nhà Bè định hướng phát triển tiềm năng ngành logistics

vlimonamedia

02/01/2025

Chiều ngày 31/12/2024, Toạ đàm với chủ đề “Tiềm năng và triển vọng phát triển ngành logistics trên địa bàn huyện Nhà Bè” được tổ chức bởi Ủy ban Nhân dân huyện Nhà Bè, là điểm hẹn kết nối giữa các cơ quan Nhà Nước, các doanh nghiệp và các đơn vị đào tạo trong việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và nguồn lực nhằm xây dựng các giải pháp giúp phát triển ngành logistics trên địa bàn Huyện Nhà Bè nói riêng và Thành phố Hồ Chí Minh nói chung.

Toàn cảnh buổi tọa đàm. Nguồn: Kim Ngọc.

Tọa đàm diễn ra với các phát biểu khai mạc đến từ Ông Triệu Đỗ Hồng Phước – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè. Ông Phước đã giới thiệu tổng quan về tình hình Kinh Tế – Xã Hội Huyện Nhà Bè, những điểm mạnh và tiềm năng của Huyện Nhà Bè trong phát triển hệ thống logistics trên địa bàn Huyện. Ông Phước thông tin: “Nhà Bè, một huyện ngoại thành của Thành phố Hồ Chí Minh, nằm ở vị trí chiến lược với hệ thống cảng và tuyến giao thông kết nối đến các khu vực lân cận, có tiềm năng lớn để trở thành một trung tâm Logistics quan trọng trong khu vực. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và sự phát triển mạnh mẽ của ngành Logistics, Nhà Bè đang trở thành một trung tâm quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc phát triển ngành Logistics tại huyện vẫn còn đối diện với nhiều thách thức. Để phát triển bền vững và khai thác hiệu quả tiềm năng này, cần có các chiến lược và giải pháp phát triển Logistics phù hợp”. Do đó, ông Phước mong muốn các quý vị đại biểu cùng tham gia thảo luận để giúp huyện nhận thức kịp thời những thực trạng, những hạn chế và tìm thấy các giải pháp phù hợp nhất để phát triển ngành Logistics tại huyện Nhà Bè.

Ông Triệu Đỗ Hồng Phước, Phó Bí thư Huyện uỷ – Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè phát biểu khai mạc tại Tọa đàm

Để các đại biểu có cái nhìn tổng quan về phát triển hệ thống logistics trên địa bàn huyện nói riêng và TP. HCM nói chung, Bà Hà Thị Quỳnh Như đã đại diện Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh trình bày một số thông tin về Đề án quy hoạch các Trung tâm logistics trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, các kết quả đạt được từ Đề án về chức năng và mô hình Trung tâm logistics và Hệ thống Trung tâm logistics trên địa bàn Thành phố. Trong đó, Bà Như cũng đã nêu bật vai trò và vị trí quan trọng của trung tâm logistics Hiệp Phước tại huyện Nhà Bè, cụ thể:

– Theo Quyết định phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000, khu công nghiệp Hiệp Phước (giai đoạn 3) tại xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM đã được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 3909/QĐ-UBND ngày 12/08/2014, trong đó quy hoạch 238,35 ha là diện tích đất nhà máy, kho hàng (logistics).

– Theo Quyết định phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung tỷ lệ 1/5.000, Khu công nghiệp – Cảng Hiệp Phước, tại xã Long Thới và xã Hiệp Phước huyện Nhà Bè, TP.HCM đã được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 6877/QĐ-UBND ngày 30/12/2016, trong đó quy hoạch 256,95 ha là đất logistics.

– Đến năm 2030, theo Kế hoạch số 5276/KH-UBND ngày 09 tháng 9 năm 2024, Ủy ban nhân dân Thành phố sẽ tập trung triển khai công tác triển khai 08 dự án xây dựng Trung tâm logistics theo Quyết định số 4432/QĐ-UBND ngày 02 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố về phê duyệt Đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn Thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, cụ thể: “Dự án Trung tâm logistics Hiệp Phước tại huyện Nhà Bè, quy mô dự kiến 100 ha, năng lực thông quan 1.430.000 – 1.600.000 TEU, định hướng là trung tâm phân phối hàng thương mại điện tử, hàng nội địa, nguồn hàng từ các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố và các khu vực ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ”.

Bà Hà Thị Quỳnh Như, đại diện Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh (Nguồn ảnh: Kim Ngọc)

Tại tọa đàm, các chuyên gia đã cùng nhau thảo luận và đánh giá về thực trạng ngành logistics tại Huyện Nhà Bè, đặc biệt và về hạ tầng logistics; phân tích lợi thế, tiềm năng và thách thức trong việc phát triển ngành logistics trên địa bàn theo hướng xanh, hiệu quả và bền vững. Từ đó, các chuyên gia cũng đã đưa ra các giải pháp chiến lược nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics tại Huyện Nhà Bè để có thể tận dụng và phát huy các lợi thế sẵn có trở thành trung tâm logistics quan trọng của TP.HCM và khu vực phía Nam.

Phụ trách nội dung tham luận đầu tiên cũng chính là nội dung cốt lõi của Tọa đàm, Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam (VLI) đã tiến hành khảo sát và phỏng vấn các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics và sử dụng dịch vụ logistics đang hoạt động tại huyện Nhà Bè. Qua đó, PGS. TS. Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam đã phân tích hiện trạng ngành dịch vụ logistics, tiềm năng phát triển logistics và đề xuất một loạt giải pháp nhằm phát triển hệ thống logistics tại huyện Nhà Bè.

– Đầu tiên, Huyện cần nâng cấp các tuyến đường chính nối từ Nhà Bè đến các khu công nghiệp, cảng biển, đồng thời xây dựng các tuyến đường phụ kết nối trực tiếp với đường vành đai 3, vành đai 4 và dự án Cảng Cần Giờ trong tương lai. Tăng cường phát triển các tuyến vận tải đường thủy giữa Nhà Bè và Cần Giờ, kết hợp vận tải đường thủy với vận tải đường bộ. Các tuyến đường thủy sẽ kết nối với các cảng xung quanh khu vực, đặc biệt là Long An, tạo thành hệ thống vận tải linh hoạt, tối ưu chi phí và thời gian vận chuyển. Xây dựng các bãi đậu xe ô tô quy mô lớn, đặc biệt gần các tuyến đường chính và cảng Cần Giờ để phục vụ nhu cầu vận tải hàng hóa của các doanh nghiệp. PGS. TS. Hồ Thị Thu Hòa cũng nhấn mạnh về yêu cầu cần phát triển hạ tầng trung tâm logistics, kho bãi và phát triển hệ sinh thái Logistics gắn kết với khu Thương mại tự do (Free Trade Zone – FTZ), một mô hình phát triển quan trọng của logistics tại Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng trong thời gian sắp tới.

– Tiếp theo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua tổ chức các khóa bồi dưỡng kiến thức logistics cho các Cơ quan quản lý Nhà nước và DN tại địa phương (VLI đã thực hiện cho Bộ Công Thương, tỉnh An Giang, tỉnh Bình Định, TP Cần Thơ…). Hỗ trợ kết nối giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao.

– Các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics đang hoạt động tại huyện Nhà Bè cần phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng, chẳng hạn như đóng gói, dán nhãn, lắp ráp, co-packing, phân loại … để tạo thêm giá trị cho khách hàng, tăng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong khu vực. Tận dụng xu hướng thương mại điện tử như phát triển các dịch vụ giao hàng nhanh, quản lý đơn hàng và hoàn trả hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường hiện đại, giúp doanh nghiệp linh hoạt và hiệu quả hơn. Mở rộng mạng lưới kho bãi và ứng dụng công nghệ quản lý kho hàng để nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa quy trình lưu trữ và phân phối hàng hóa. Đầu tư vào hệ thống kho lạnh và công nghệ theo dõi nhiệt độ để đảm bảo chất lượng hàng hóa nhạy cảm với nhiệt độ như thực phẩm và dược phẩm. Cuối cùng, tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động logistics để duy trì uy tín và đáp ứng yêu cầu của thị trường toàn cầu.

– Đối với các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics cần xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với các nhà cung cấp dịch vụ logistics và các doanh nghiệp khác để chia sẻ thông tin, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và giảm chi phí. Phát triển hoặc tham gia vào các nền tảng số hóa kết nối doanh nghiệp với các nhà cung cấp dịch vụ logistics, giúp quản lý đơn hàng, theo dõi lộ trình và xử lý vấn đề một cách hiệu quả.

– Huyện cần tạo thuận lợi về thủ tục hành chính, thuế và mặt bằng để thu hút doanh nghiệp logistics, đồng thời cung cấp gói hỗ trợ tài chính, tư vấn và đào tạo cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực logistics. Thống nhất trong áp dụng các tiêu chuẩn “Xanh” trong các hoạt động vận tải kết nối giữa các địa phương như sử dụng phương tiện vận tải thân thiện với môi trường và giảm tiêu thụ nhiên liệu để quảng bá hình ảnh “Xanh hoá” của khu vực. Cuối cùng, xây dựng chiến lược phát triển hệ thống logistics trên địa bàn huyện Nhà Bè đến năm 2030, tầm nhìn 2050 hướng đến mục tiêu “Logistics Xanh và Bền Vững” và “Liên Kết Vùng”, với sự hỗ trợ từ Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam (VLI).

PGS. TS. Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam chia sẻ tại Tọa đàm (Nguồn ảnh: Kim Ngọc)

Bên cạnh đó, ThS. Trần Văn Bích, Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trình bày báo cáo chuyên đề về “Các chính sách phát triển ngành logistics”, với mong muốn đưa TP.HCM trở thành trung tâm vận chuyển hàng hóa lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Để thực hiện mục tiêu này, TP. HCM tiếp tục tập trung vào việc đẩy mạnh đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp logistics, và thúc đẩy chuyển đổi số.

ThS. Trần Văn Bích, Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (Nguồn ảnh: Kim Ngọc)

Về phía đại diện Công ty Cổ phần Cảng Tân Cảng – Hiệp Phước, Ông Phạm Thanh Sơn – Giám đốc Công ty đã trình bày báo cáo chuyên đề về “Giải pháp phát triển bền vững và hiệu quả logistics trên địa bàn huyện Nhà Bè”. Theo Ông Sơn, Huyện Nhà Bè với những tiềm năng nổi bật về vị trí địa lý khi nằm ở cửa ngõ phía Nam TP. HCM, giáp biển, mạng lưới sông ngòi thuận lợi cho giao thông đường thủy và cảng biển (tiếp giáp Đồng Nai, Long An, ĐBSCL, …), do đó, hoàn toàn thuận lợi để phát triển thành đô thị vệ tinh, tiếp nhận hàng hóa XNK từ miền Nam và các nước lân cận. Tuy nhiên, theo ông Sơn việc Luồng Soài Rạp thường xuyên bị bồi lắng, tốn kém thời gian và chi phí nạo vét duy tu đã tạo ra nhiều hạn chế trong việc khai thác của Cảng biển trên địa bàn Huyện và hiện tại chỉ có cảng Tân Cảng Hiệp Phước khai thác container. Ngoài ra, ông Sơn cũng đề cập đến hiện trạng thiếu hệ thống kho bãi, kho ngoại quan, kho phân phối, lưu trữ, chưa có Depot rỗng và các vấn đề khó khăn về chi phí khai thác ảnh hưởng đến tính cạnh tranh cho cụm cảng Hiệp Phước. Cuối cùng, Ông Sơn đề xuất đến toạ đàm một số giải pháp về hoàn thiện cơ sở hạ tầng logistics, về chính sách và phát triển nguồn nhân lực và mong muốn toạ đàm có thể trao đổi thêm để hướng đến mục tiêu phát triển logistics tại Nhà Bè trong thời gian sắp tới.

Ông Phạm Thanh Sơn, Giám đốc CTCP Cảng Tân Cảng – Hiệp Phước (Nguồn ảnh: Kim Ngọc)

Tại phiên thảo luận, những câu hỏi quan trọng đã được đặt ra và trao đổi xoay quanh các vấn đề như hiện trạng, định hướng phát triển đối với hệ thống logistics trên địa bàn huyện Nhà Bè; cơ hội, thách thức cũng như định hướng chiến lược và đề xuất giải pháp giúp phát triển hạ tầng logistics trên địa bàn huyện Nhà Bè theo hướng hiệu quả và bền vững, cụ thể:

  • Phiên thảo luận bắt đầu với nội dung phát biểu ý kiến của Ông Phan Chánh Dưỡng – Nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Liên doanh Khu Chế Xuất Tân Thuận tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến về tính cấp thiết trong phát triển hệ thống logistics, không chỉ riêng của Nhà Bè mà còn của TP. HCM. Ông đã giới thiệu đến toạ đàm các trường hợp thành công từ Trung Quốc để nêu bật lên vai trò nổi bật của logistics trong việc tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Ông Phan Chánh Dưỡng (Nguồn ảnh: Kim Ngọc)

Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm – Tổng Giám Đốc Cảng Sài Gòn, Kiêm CTHĐQT Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn – Hiệp Phước đã chia sẻ góc nhìn về hạ tầng giao thông kết nối với cảng biển qua khu vực huyện Nhà Bè. Theo ông Tâm, hiện tại hạ tầng giao thông đã được cải thiện nhưng vẫn chưa thể tạo ra tính đột phá về giao thông tại khu vực. Trong thời gian tới, ông Tâm kỳ vọng hạ tầng giao thông vận tải kết nối của huyện Nhà Bè nói riêng và thành phố Hồ Chí Minh nói chung sẽ phát triển mạnh khi các tuyến đường vành đai được thông suốt.

Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm – Tổng Giám Đốc Cảng Sài Gòn, Kiêm CTHĐQT Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn – Hiệp Phước (Nguồn ảnh: Kim Ngọc)

TS. Nguyễn Đức Trí – Trưởng Khoa Du Lịch – Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến về “Chiến lược phát triển bền vững ngành logistics trên địa bàn huyện Nhà Bè”. Theo TS. Trí, việc thiết lập mô hình Một cảng biển – Ba hành lang (hành lang vận tải, hành lang logistics, hành lang kinh tế) được thông suốt sẽ đảm bảo cho việc phát triển bền vững, đặc biệt là tuyến đường thuỷ nội địa.

TS. Nguyễn Đức Trí – Trưởng Khoa Du Lịch – Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (Nguồn ảnh: Kim Ngọc)

  • Ông Bùi Văn Quản – Giám đốc Hiệp hội vận tải hàng hoá thành phố, bày tỏ mối lo ngại về quy mô để đáp ứng được nhu cầu phát triển hoạt động sản xuất hàng hoá quanh huyện Nhà Bè. Thêm vào đó ông Quản cũng nhấn mạnh những vấn đề trong việc quy hoạch đất, nên quy hoạch đất chuyên dụng thay vì kết hợp với các mục đích sử dụng khác để tránh tình trạng biến động giá đất.

Ông Bùi Văn Quản – Giám đốc Hiệp hội vận tải hàng hoá thành phố (Nguồn ảnh: VLI)

  • TS. Trần Quý – Viện trưởng, Viện Phát Triển Kinh Tế Số Việt Nam – Chủ tịch Công ty Phát Triển Nền Tảng Tài Sản Số MetaDAP phát biểu ý kiến về chuyển đổi số trong logistics, tập trung vào phân tích về đặc thù, thách thức và giải pháp. Thêm vào đó, TS. Quý cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá tính cấp thiết để có giải pháp đầu tư chuyển đổi số cho phù hợp với bối cảnh của ngành logistics.
  • Ông Võ Thanh Tú – Viện Đào tạo Logistics ONEX Training phát biểu ý kiến về “Kinh nghiệm và phát triển logistics đô thị ở Singapore và bài học cho huyện Nhà Bè”. Theo ông Tú, Việt Nam có tiềm năng và năng lực để phát triển logistics.

Ông Võ Thanh Tú – Viện Đào tạo Logistics ONEX Training (Nguồn ảnh: Kim Ngọc)

Kết thúc phiên thảo luận, Ông Phạm Bình An – Phó Viện trưởng – Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đã phát biểu tổng hợp các nội dung thảo luận trong buổi Tọa đàm. Ông An đề cao quyết tâm của huyện Nhà Bè khi là địa phương cấp huyện đầu tiên của thành phố Hồ Chí Minh tổ chức toạ đàm về logistics. Trải qua thời gian gần 3 giờ tập trung trao đổi và chia sẽ các thông tin về logistics một cách nghiêm túc và cầu thị, các giải pháp được các chuyên gia, nhà khoa học đưa ra mang tính thực tiễn rất cao và rất quý giá đối với việc phát triển ngành logistics tại huyện Nhà Bè.

Trong phần bế mạc tọa đàm, Ông Triệu Đỗ Hồng Phước – Chủ tịch Ủy ban nhân dân Huyện Nhà Bè, đã chia sẻ những kết luận quan trọng và nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc nâng cấp hệ thống logistics tại huyện Nhà Bè và xây dựng chiến lược phát triển ngành logistics của huyện theo hướng bền vững, gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển logistics mà thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng. Ông Phước cho biết rằng, thông qua những thảo luận sâu rộng và trao đổi ý kiến đa chiều, chúng ta đã nhận thức rõ hơn về những thách thức và cơ hội mà ngành logistics huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung đang đối mặt trong thời kỳ mà chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang trở thành tiêu chuẩn bắt buộc đối với ngành logistics nói riêng và phát triển kinh tế nói chung.

Toạ đàm đã tạo điều kiện để các bên liên quan cùng trao đổi và chia sẻ rõ hơn về việc kết nối doanh nghiệp với cơ quan Nhà Nước, Viện Nghiên cứu về logistics, tạo ra môi trường thuận lợi cho việc phát triển hệ thống logistics theo hướng bền vững, đáp ứng nhu cầu và mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế của huyện Nhà Bè nói riêng, thành phố Hồ Chí Minh nói chung.

Cuối cùng, Ông Triệu Đỗ Hồng Phước hi vọng rằng những thảo luận và ý kiến đóng góp tại tọa đàm sẽ tiếp tục lan tỏa và tạo ra sự tinh thần hợp tác giữa doanh nghiệp, Viện nghiên cứu và cơ quan nhà nước để đảm bảo sự phát triển bền vững và hiệu quả của ngành logistics và chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Một số hình ảnh khác tại Tọa đàm (Ảnh: VLI và Kim Ngọc)

PGS. TS Hồ Thị Thu Hòa – Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam tham dự cùng Phó Giám đốc sở Công Thương, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, Tổng giám đốc cảng Sài Gòn, Ông Trương Nguyên Linh – giảng viên cao cấp tại VLI trực tiếp giảng dạy, đào tạo chương trình FIATA. (Ảnh: VLI)

Nguồn ảnh: VLI

Nguồn ảnh: VLI

Nguồn ảnh: Kim Ngọc

Nguồn ảnh: VLI