VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN LOGISTICS VIỆT NAM

VIETNAM LOGISTICS RESEARCH AND DEVELOPMENT INSTITUTE (VLI)

A subsidiary of Vietnam Logistics Business Association - VLA

Địa chỉ:
Điện thoại: (+84) 28 7301 8689

Trả hàng theo vận đơn đích danh: Vấn đề không mới nhưng chưa cũ

vlimonamedia

21/10/2024

Vận đơn đích danh được dùng rất phổ biến. Với quan điểm khác nhau về việc có phải nộp vận đơn khi nhận hàng hay không của luật và phán quyết của Tòa án, Trọng tài ở một số nước, tranh chấp về vấn đề này vẫn xảy ra không ít nếu không chú ý thích đáng. Ngoài ra, thỏa thuận không rõ ràng, cụ thể trong quá trình giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán và hợp đồng vận chuyển hàng hóa về việc trả hàng theo “điện giao hàng” (telex release) đối với loại vận đơn này cũng có thể làm phát sinh tranh chấp. Những vụ tranh chấp dưới đây để bạn đọc tham khảo, cho thấy một số vấn đề liên quan đến vận đơn đích danh mà các bên cần lưu ý để có thể thực hiện được ý định của mình trong hợp đồng mua bán, hợp đồng vận chuyển hàng hóa và hạn chế đến mức thấp nhất xảy ra tổn thất.

Ảnh minh họa

Tóm tắt sự việc

Năm 2016, Tòa án tại một quận của Thành phố Hải Phòng đã thụ lý đơn khởi kiện liên quan đến việc trả hàng bằng vận đơn đích danh (straight bill of lading) của chuyến hàng xuất khẩu đi Vương quốc Anh do một doanh nghiệp Việt Nam (người bán hàng) khởi kiện doanh nghiệp giao nhận vận tải. Người bán và người mua thỏa thuận trong hợp đồng mua bán hàng hóa rằng, ngoài những vấn đề khác, người mua trả trước một phần và sau khi trả nốt tiền hàng, người bán sẽ yêu cầu người vận chuyển/hãng tàu giao hàng cho người mua (người nhận hàng). Người mua đã trả một phần tiền hàng để người bán ký hợp đồng thuê công ty giao nhận thu xếp việc vận chuyển.

Tranh chấp

Người bán yêu cầu công ty giao nhận chỉ giao hàng cho người nhận hàng khi có điện giao hàng (telex release) của người bán. Người giao nhận cho rằng người bán không lấy vận đơn gốc nên mặc nhiên được coi là loại vận đơn đã nộp (surrendered bill of lading) và hàng được trả cho người nhận mà không cần thu hồi vận đơn gốc. Người bán cho rằng không có bằng chứng cho thấy họ không yêu cầu cấp vận đơn gốc. Việc trao đổi giữa người bán và người giao nhận về vấn đề này được thực hiện qua skype và dùng cách viết rút gọn (ví dụ: “dgh” là “điện giao hàng”). Cảng dỡ hàng là một cảng của Anh và Luật của Anh không yêu cầu nộp vận đơn loại này khi nhận hàng (xem thêm vụ tranh chấp quốc tế dưới đây).

Quan điểm khác nhau về trả hàng theo vận đơn đích danh

Điều 86 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2005 (“Bộ luật”) nêu: “… 2. Vận đơn có thể được ký phát dưới các dạng sau: a) Ghi rõ tên người nhận hàng, gọi là vận đơn đích danh…”. Khoản 3 Điều 89 Bộ luật nêu: “… Người có tên trong vận đơn đích danh là người nhận hàng hợp pháp” và Điều 93 của Bộ luật quy định: “Khi tàu biển đến cảng trả hàng, người vận chuyển có nghĩa vụ trả hàng cho người nhận hàng hợp pháp nếu có vận đơn gốc, giấy gửi hàng đường biển hoặc chứng từ vận chuyển khác có giá trị để nhận hàng…”.

Như vậy, theo luật Việt Nam, phải nộp vận đơn khi nhận hàng.

Vụ tranh chấp đăng trên Shipping law update, Issue 9, Autumn 2002 của Ince & Co (vụ này cũng được nêu trong sách thống kê các vụ tranh chấp của Lloyd ([2002] 2 Lloyd’s Rep 707) cho thấy phán quyết của Tòa là phải nộp vận đơn khi nhận hàng như sau:

Voss Peer (nguyên đơn) kiện APL Co Pte Ltd (bị đơn) tại Toà phúc thẩm Singapore (Singapore Court of Appeal). Xin nói thêm, Tòa sơ thẩm Singapore đã phán quyết phải nộp vận đơn và Bị đơn đã kháng cáo. Nguyên đơn bán một xe ôtô cho Seohwan – một công ty của Hàn Quốc và chở trên tàu của bị đơn. Bị đơn ký phát vận đơn có ghi ở phần “người nhận hàng” (consignee) là “Seohwan” và không có từ “to order” kèm theo nên được coi là “vận đơn đích danh” (cũng có tên gọi khác là “straight consigned bill of lading” với ý nhấn mạnh là giao thẳng, trực tiếp cho đúng người nhận hàng có tên trên vận đơn).

Bị đơn đã giao chiếc ôtô đó tại cảng trả hàng (port of destination) mà không thu hồi vận đơn từ người nhận hàng là Seohwan. Giữa người bán hàng (nguyên đơn) và người mua hàng (người nhận hàng) “có vấn đề” về thanh toán tiền hàng (tiền mua ôtô) nên người bán hàng đã khởi kiện để đòi bồi thường thiệt hại. Tòa phải xem xét để quyết định là có phải thu hồi vận đơn trước khi trả ôtô cho người nhận hàng hay không.

Bị đơn cho rằng vận đơn đích danh là loại vận đơn không giao dịch/chuyển nhượng được (non-negotiable), tương tự như hay giống như giấy gửi hàng đường biển (sea waybill) nên không cần phải nộp vận đơn khi trả hàng. Tuy vậy, Toà phúc thẩm đã phân biệt “vận đơn đích danh” với “sea waybill” và phán rằng, với “vận đơn đích danh” cũng như với bất kỳ loại vận đơn nào khác, chủ tàu chỉ được trả hàng khi thu hồi vận đơn. Tòa cũng phán rằng, nếu muốn vận đơn chỉ có tác dụng như “sea waybill” thì phải thể hiện rõ ý định này bằng cách, có thể là, ghi ngay lên vận đơn hoặc có văn bản thỏa thuận riêng.

Trong một vụ kiện khác cũng từ nguồn tài liệu trên (The Rafaela S [2002] 2LLR 403, Langley J), Toà lại phán rằng, không cần phải nộp “vận đơn đích danh” khi nhận hàng. Luật có liên quan ở đây là Bộ luật hàng hải Anh (UK COGSA 1971). Tòa cho rằng, “vận đơn đích danh” không phải là một vận đơn theo nghĩa của Section 1(4) của Bộ luật này vì vận đơn phải là “chứng từ về quyền sở hữu” (document of title) – chứng từ mà theo luật hàng hải, quyền sở hữu hàng hóa có thể được chuyển nhượng một cách đơn giản là ký hậu (endorse). Trong khi đó “vận đơn đích danh” lại không có chức năng này nên không phải là … vận đơn, và vì thế, không cần phải nộp khi nhận hàng ngay cả khi trên vận đơn có dòng chữ in sẵn là phải nộp. Nguyên văn bằng tiếng Anh như sau: “The court decided that a straight bill of lading was not a bill of lading within the meaning of Section 1 (4) because the reference under that section was to a bill of lading as a “document of title”. A “document of title” was a document by which ownership in the goods themselves could be transferred simply by endorsing the document. This was not a characteristic of a straight consigned bill of lading”. “The court also stated, obiter, that presentation of a straight consigned bill of lading by the consignee was not necessary in order to obtain delivery notwithstanding printed wording on the front of the bill requiring surrender of the bill against delivery”.

Bài học thực tiễn

Qua những vụ tranh chấp nêu trên, đặc biệt là vụ xảy ra tại Việt Nam, để tránh tổn thất, trong trường người bán/người giao hàng cần khống chế/kiểm soát vận đơn để đảm bảo việc thanh toán tiền hàng, cần lưu ý mấy điểm sau:

  • Trường hợp người nhận hàng phải nộp vận đơn để nhận hàng: Người thuê vận chuyển/người giao hàng cần thông báo bằng văn bản cho người người giao nhận (người vận chuyển)/chủ tàu) về việc mặc dù là vận đơn đích danh nhưng người nhận hàng phải nộp vận đơn mới lấy được lệnh giao hàng (Delivery order) hoặc nhận hàng, đồng thời thông báo này cũng nên được sao gửi (Cc) cho người nhận hàng để biết. Như vậy, đối với những nước có luật giống luật Anh – không cần phải nộp vận đơn đích danh khi nhận hàng – nhưng luật không cấm các bên có thỏa thuận khác. Vì vậy, người vận chuyển/đại lý của họ phải thực hiện yêu cầu chỉ trả hàng khi thu hồi vận đơn.
  • Trường hợp người bán (người giao hàng) không lấy vận đơn gốc mà dùng hình thức “vận đơn đã nộp” (surrendered bill of lading) và trả hàng theo điện giao hàng (telex release): Cần thông báo bằng văn bản cho người người giao nhận (người vận chuyển)/chủ tàu) về việc mặc dù là vận đơn đích danh và vận đơn đã nộp nhưng người nhận hàng chỉ nhận được lệnh giao hàng hoặc nhận hàng khi người giao nhận (người vận chuyển)/chủ tàu) nhận được điện giao hàng của người người bán (người giao hàng); đồng thời thông báo này cũng được sao gửi (Cc) cho người nhận hàng để biết.

Như vậy, với cách làm nêu trên, có thể nói, hầu như không xảy ra tranh chấp, vì các bên có liên quan coi như đã có “thỏa thuận” trước về việc trả hàng mặc dù luật pháp địa phương tại nơi trả hàng cho phép nhận hàng mà không cần nộp vận đơn gốc./.

Ngô Khắc Lễ (Cộng tác viên của VLI)