VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN LOGISTICS VIỆT NAM

VIETNAM LOGISTICS RESEARCH AND DEVELOPMENT INSTITUTE (VLI)

A subsidiary of Vietnam Logistics Business Association - VLA

Địa chỉ:
Điện thoại: (+84) 28 7301 8689

Tranh chấp về bảo hiểm dưới giá trị hay bảo hiểm theo giá trị khôi phục 

vlimonamedia

11/04/2025

Các loại hình bảo hiểm thuộc bảo hiểm phi nhân thọ với nhiều quy định, hướng dẫn qua một số tài liệu chuyên môn tưởng chừng như khó có thể nhầm lẫn. Ấy vậy mà kiện tụng vẫn xảy ra, chẳng hạn như vụ tranh chấp về bảo hiểm dưới giá trị hay giá trị khôi phục dưới đây mà người viết tham gia giải quyết để bạn đọc tham khảo.  

1. Tóm tắt vụ tranh chấp

Ngày 10/3/2017, một doanh nghiệp phát triển điện lực (Nguyên đơn) và doanh nghiệp bảo hiểm (Bị đơn) ký kết Hợp đồng bảo hiểm cháy và các rủi ro đặc biệt số 58171000 (“Hợp đồng”). Theo đó, trong các đối tượng bảo hiểm có nhà máy thủy điện; thời hạn bảo hiểm từ 08:00 ngày 11/3/2017 đến 08:00 ngày 10/3/2018. Số tiền bảo hiểm là 25.857.835.002 VND, trong đó nhà máy thủy điện là 12.870.491.455 VND, mức khấu trừ đối với rủi ro thiên tai là 50.000.000 VND/vụ tổn thất. Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài ngày 10 và 11/10/2017 đã làm xuất hiện lũ quét vào khoảng từ 04:00 – 05:00 sáng ngày 11/10/2017 trên suối Nậm Thi dẫn đến toàn bộ lượng nước lũ cuốn theo bùn đất tràn qua bờ suối, đường cạnh bờ, xuống sân nhà máy, qua mương cáp, cửa nhà máy vào khoang tiện dụng, gian máy gây ngập lụt lên tầng 2 cùng toàn bộ nhà máy và các đường dẫn vào nhà máy. Tổn thất đã xảy ra với mức độ thiệt hại là đất đá vùi lấp toàn bộ phạm vi nhà máy, hệ thống cửa nhà máy hư hỏng hoàn toàn; nhà quản lý, nhà ăn bị sập, biến dạng, nhiều vị trí nứt nẻ, đất đá vùi lấp toàn bộ thiết bị của nhà máy; và được các bên xác định là thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm của Bị đơn. Bị đơn đã cử công ty VP giám định với mức độ tổn thất là 3.602.597.695 VND và Bị đơn chỉ chấp nhận bồi thường theo đúng số tiền ghi trong Báo cáo giám định (chứng thư giám định).

2. Quan điểm của Nguyên đơn

Nguyên đơn cho rằng cách tính của VP không phải là giá thị trường của tài sản được bảo hiểm, không thể quy kết việc tham gia bảo hiểm dưới giá trị bằng phương pháp hồi quy giá trị tài sản như xây mới; tại thời điểm giao kết Hợp đồng các Bên hiểu rằng tài sản tham gia bảo hiểm là tài sản đã qua sử dụng, đã trích khấu hao và Bị đơn chấp nhận bảo hiểm với giá trị tài sản đã khấu hao. Căn cứ Điều 41 và Điều 42 của Luật Kinh doanh bảo hiểm thì việc xác định hợp đồng bảo hiểm trên hoặc dưới giá trị phải xác định căn cứ vào giá thị trường tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm. Ngoài ra, Điều 46 Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định về căn cứ bồi thường bảo hiểm. Như vậy, việc xác định hợp đồng bảo hiểm tham gia trên hay dưới giá trị và căn cứ bồi thường phải được xác định theo giá thị trường của tài sản tại thời điểm và nơi xảy ra tổn thất. Cách tính của VP dựa trên thời điểm công trình được bàn giao, đưa vào sử dụng, sau đó hồi quy về thời điểm tổn thất là không đúng theo các quy định của pháp luật nêu trên. Ngoài ra “giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng” chịu tác động bởi nhiều yếu tố làm tăng/giảm biến thiên, nhưng chúng được ghi nhận bởi các yếu tố căn bản, trọng yếu như khấu hao (vô hình và hữu hình), sự cạnh tranh bởi các nhà cung cấp, giá trị lịch sử/văn hóa/tinh thần… của tài sản và tình trạng lạm phát – trượt giá. Công trình nhà máy thủy điện không phải là tài sản có giá trị lịch sử, văn hóa, tinh thần… Do đó, các yếu tố làm tăng giá trị tài sản gần như không có. Từ các căn cứ trên, Nguyên đơn cho rằng VP đã áp dụng sai phương pháp tính toán và xác định hợp đồng bảo hiểm dưới giá trị theo phương pháp hồi quy là không có căn cứ.

Nguyên đơn cũng cho rằng các thiệt hại đối với hạng mục nhà cửa, vật kiến trúc của Nguyên đơn là những hạng mục sửa chữa, phù hợp với điều khoản bổ sung về bảo hiểm theo giá trị khôi phục của Hợp đồng. Điều khoản bổ sung này là một giao kết giữa Bị đơn và Nguyên đơn. Theo đó, nó thay thế các nguyên tắc áp dụng đối với việc bảo hiểm tài sản trên hoặc dưới giá trị theo quy định tại Điều 41 và Điều 42 Luật kinh doanh bảo hiểm. Các thiệt hại của nhà máy thủy điện là sửa chữa các hạng mục, không làm cho mới hơn hoặc tân tiến hơn và điều này đã được khẳng định tại trang 24 của Báo cáo giám định. Như vậy, việc xác định mức độ tổn thất của VP phải dựa trên điều khoản bảo hiểm bổ sung theo giá trị khôi phục. Theo đó, các thiệt hại của Nguyên đơn đều là sửa chữa khắc phục nhằm khôi phục hiện trạng ban đầu và không làm tốt hơn, tân tiến hơn tài sản đó. Việc VP xem xét đến bảo hiểm dưới giá trị và tính tỷ lệ trượt giá là không đúng theo điều khoản bảo hiểm bổ sung. Các quy định về bảo hiểm dưới giá trị chỉ được áp dụng đối với trường hợp không thuộc điều khoản bảo hiểm theo giá trị khôi phục. Việc sửa chữa các thiệt hại tại nhà máy chỉ nhằm khôi phục hiện trạng ban đầu của tài sản trước khi bị thiệt hại và Bị đơn đã cam kết số tiền được bồi thường sẽ là giá trị khôi phục phần tài sản bị phá hủy. Đồng thời từ “khôi phục” được hiểu là sửa chữa thiệt hại và khôi phục phần tài sản bị hư hại trở lại tình trạng gần như tương tự trước khi sự kiện bảo hiểm xảy ra. Do đó, Nguyên đơn cho rằng Bị đơn phải bồi thường các chi phí mà Nguyên đơn đã bỏ ra để khôi phục lại hiện trạng của hạng mục nhà cửa, vật kiến trúc, đó là (i) chi phí khắc phục (chưa bao gồm VAT) 2.945.602.591 VND, (ii) chi phí dọn dẹp hiên trường 1.000.000.000 VND và (iii) chi phí tư vấn hạng mục nhà cửa, vật kiến trúc 202.724.075 VND. Tổng cộng là 4.148.326.666 VND. Đối với các hạng mục máy móc thiết bị, hạng mục giá trị phế liệu thu hồi sau tổn thất, mức khấu trừ đã được VP tính toán phù hợp với Hợp đồng đã giao kết.  Vì vậy, Số tiền mà Bị đơn phải bồi thường tổn thất, theo tính toán của Nguyên đơn là 4.148.326.666 VND + 1.949.803.314 VND + 19.322.551 VND – 18.172.191 đồng – 50.000.000 VND = 6.049.280.340 VND. Trong đó, Bị đơn đã tạm ứng bồi thường 2.441.778.016 VND cho Nguyên đơn, số tiền bồi thường còn lại là 6.049.280.340 VND – 2.441.778.016 VND = 3.607.502.324 VND

3. Quan điểm của Bị đơn

Bị đơn cho rằng về chi phí khắc phục đối với tổn thất nhà cửa vật kiến trúc, tại Biên bản làm việc số 01 ngày 13/02/2020 giữa Nguyên đơn và VP, các bên đã thống nhất số tiền khắc phục đối với tổn thất nhà cửa vật kiến trúc là 1.197.411.350 VND. Về số tiền bồi thường thuộc phạm vi bảo hiểm đối với tổn thất nhà cửa vật kiến trúc, theo Hợp đồng, Nguyên đơn đã tham gia Điều khoản bổ sung theo giá trị khôi phục. Căn cứ hồ sơ khắc phục do Nguyên đơn cung cấp, VP đánh giá chi phí khắc phục của Nguyên đơn là xây mới lại các hạng mục tổn thất nên phải được xem xét bảo hiểm dưới giá trị với Điều khoản về bảo hiểm theo giá trị khôi phục. Áp dụng Mục 3 – Quy tắc đặc biệt của Điều khoản bổ sung nêu trên thì việc xác định bảo hiểm dưới giá trị sẽ được xem xét trên cơ sở tỷ lệ giữa số tiền tham gia bảo hiểm và giá trị mới của tài sản đó tại thời điểm xảy ra tổn thất. Tại thời điểm công trình nhà máy Thủy điện đưa vào bàn giao là tháng 10 năm 2009, công trình có giá trị quyết toán là 21.387.010.405 VND, đến thời điểm xảy ra tổn thất ngày 11/10/2017, giá trị xây mới công trình bằng tỷ lệ trượt giá nhân với giá trị công trình tại tháng 10 năm 2009. Tỷ lệ trượt giá được Báo cáo giám định của VP xác định là 1,114. Như vậy, tại thời điểm tổn thất, giá trị công trình Nhà máy thuỷ điện là 23.831.545.694 VND. Trong khi đó, số tiền tham gia bảo hiểm cho hạng mục nhà cửa vật kiến trúc theo Hợp đồng là 12.870.491.455 VND (bằng giá trị còn lại của tài sản). Số tiền khắc phục đối với tổn thất nhà cửa vật chất (trị giá tổn thất) đã được Nguyên đơn và VP thống nhất là 1.197.411.350 VND tại Biên bản làm việc số 01 ngày 13/02/2020, do vậy, số tiền bồi thường cuối cùng cho tổn thất hạng mục nhà cửa vật kiến trúc của nhà máy là 1.197.411.350 VND x 12.870.491.455 VND : 23.831.545.694 VND = 646.675.325 VND.

Do đó, căn cứ vào quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm về bảo hiểm dưới giá trị, Hợp đồng bảo hiểm và Quy tắc, Bị đơn cho rằng số tiền bồi thường cuối cùng cho tổn thất hạng mục nhà cửa vật kiến trúc là 646.675.325 VND. Về số tiền bồi thường với hạng mục tư vấn nhà cửa, kiến trúc cũng được tính toán tương tự như hạng mục nhà cửa vật kiến trúc, số tiền bồi thường cho hạng mục này là 54.968.696 VND. Về ý kiến của Nguyên đơn cho đơn cho rằng“cách tính của nhà Giám định VP không phải là giá thị trường của tài sản được bảo hiểm, không thể quy kết việc tham gia bảo hiểm dưới giá trị bằng phương pháp hồi quy giá trị tài sản như xây mới” Bị đơn cho rằng do Nguyên đơn tham gia điều khoản bổ sung “Điều khoản bảo hiểm theo giá trị khôi phục” nên giá trị khắc phục VP tính toán đề xuất là theo phương án xây mới lại các hạng mục bị tổn thất và không xem xét tính toán khấu hao. Như vậy, việc xác định bảo hiểm dưới giá trị sẽ được xem xét tính toán điều chỉnh trên cơ sở tỷ lệ giữa số tiền tham gia bảo hiểm và giá trị mới của tài sản đó tại thời điểm xảy ra tổn thất. 
Đối với quan điểm của Nguyên đơn cho rằng “các thiệt hại đối với hạng mục nhà cửa, vật kiến trúc của Công ty [Nguyên đơn] là những hạng mục sửa chữa, phù hợp với điều khoản bổ sung về bảo hiểm theo giá trị khôi phục của Hợp đồng bảo hiểm”, ý kiến của Bị đơn là số tiền khắc phục đối với tổn thất nhà cửa vật kiến trúc đã được Nguyên đơn thống nhất tại Biên bản làm việc ngày 13/02/2020 là 1.197.411.350 VND. Căn cứ hồ sơ khắc phục do Nguyên đơn cung cấp, VP đánh giá chi phí khắc phục của Nguyên đơn là xây mới lại các hạng mục tổn thất nên phải được xem xét bảo hiểm dưới giá trị với Điều khoản về bảo hiểm theo giá trị khôi phục. Áp dụng Mục 3 – Quy tắc đặc biệt của Điều khoản bổ sung thì việc xác định bảo hiểm dưới giá trị sẽ được xem xét trên cơ sở tỷ lệ giữa số tiền tham gia bảo hiểm và giá trị mới của tài sản đó tại thời điểm xảy ra tổn thất.

Về số tiền yêu cầu bồi thường của Nguyên đơn cho tổn thất của hạng mục nhà cửa vật kiến trúc và chi phí tư vấn nhà cửa vật kiến trúc, Bị đơn cho rằng số tiền khắc phục đối với tổn thất nhà cửa vật kiến trúc được VP tính toán căn cứ trên phạm vi, khối lượng tổn thất đã ghi nhận tại thực tế hiện trường và được Nguyên đơn thống nhất trong Biên bản làm việc ngày 13/02/2020 là 1.197.411.350 đồng. Do vậy, Bị đơn chỉ xem xét tính toán số tiền bồi thường trên cơ sở số tiền khắc phục của hạng mục nhà cửa vật kiến trúc mà công ty giám định đã tính toán và các bên đã công nhận, thống nhất là 1.197.411.350 VND. Nguyên đơn yêu cầu bồi thường số tiền 2.945.602.591 VND cho chi phí khắc phục đối với hạng mục nhà cửa vật kiến trúc là không đúng với tổn thất thực tế và mâu thuẫn với ý kiến  các bên đã thống nhất tại Biên bản làm việc ngày 13/02/2020. Tương tự như vậy, chi phí tư vấn nhà cửa vật kiến trúc cũng được tính toán dựa trên số tiền khắc phục của hạng mục nhà cửa vật kiến trúc mà các bên đã công nhận và thống nhất. Như vậy, Bị đơn chỉ chấp nhận số tiền tổn thất cho hạng mục nhà cửa vật kiến trúc và chi phí tư vấn nhà cửa vật kiến trúc sau khi áp dụng bảo hiểm dưới giá trị theo điều kiện sửa đổi bổ sung là 701.644.321 VND (bao gồm lần lượt là 646.675.325 VND và 54.968.696 VND). Tổng số tiền bồi thường cho tổn thất của nhà máy điện sau khi trừ thanh lý, miễn thường theo Hợp đồng là 3.602.579.695 VND. Trong đó, Bị đơn đã tạm ứng bồi thường 2.441.778.016 VND cho Nguyên đơn, do đó, Bị đơn cho rằng số tiền bồi thường còn lại mà Bị đơn phải trả cho Nguyên đơn là 1.160.819.679 VND.   

4. Phân tích của hội đồng trọng tài và phán quyết trọng tài

Về các yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn, đối với yêu cầu buộc Bị đơn chi trả số tiền bồi thường còn lại theo hợp đồng bảo hiểm với số tiền là 3.607.502.324 VND, Hội đồng Trọng tài nhận thấy nguyên nhân tranh chấp là do các bên có cách hiểu khác nhau về bảo hiểm dưới giá trị và bảo hiểm theo giá trị khôi phục. Theo hồ sơ, các bên chỉ còn tranh chấp về các chi phí thuộc hạng mục nhà cửa, vật kiến trúc, và hạng mục chi phí tư vấn nhà cửa, kiến trúc. Nguyên đơn yêu cầu Bị đơn trả tiền bồi thường với số tiền cho nhà cửa vật kiến trúc là 2.945.602.591VND và chi phí tư vấn nhà cửa vật kiến trúc là 202.724.075 VND trong khi Bị đơn chỉ chấp nhận bồi thường các số tiền tương ứng là 646.675.325 VND và 54.968.696 VND cho nhà cửa vật kiến trúc và chi phí tư vấn nhà cửa vật kiến trúc. Về hóa đơn, chứng từ cho các số tiền yêu cầu bồi thường và các hạng mục khác, các Bên không khiếu nại về hóa đơn, chứng từ cụ thể và đã nhất trí số tiền của tất cả các hạng mục đòi bồi thường, trừ 02 mục trên đây (hạng mục nhà cửa, vật kiến trúc và hạng mục chi phí tư vấn nhà cửa, kiến trúc) do có cách hiểu khác nhau về nghiệp vụ bảo hiểm, không có sự khác biệt giữa các Bên về chi tiết chứng từ.

Theo Hợp đồng, số tiền bảo hiểm cho hạng mục nhà cửa vật kiến trúc (nhà máy thủy điện) là 12.870.491.455 VND. Hội đồng Trọng tài nhận thấy không có tài liệu, chứng cứ nào cho thấy các Bên có thỏa thuận về số tiền này là cao hơn hoặc thấp hơn giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng. Do đó, Hợp đồng bảo hiểm cháy và các rủi ro đặc biệt (bao gồm cháy nổ bắt buộc) số 58171000 không phải là hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị hoặc hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị theo quy định tại Điều 41 và Điều của 42 Luật Kinh doanh bảo hiểm. Về căn cứ bồi thường, theo khoản 1 Điều 46 Luật Kinh doanh bảo hiểm thì “số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm được xác định trên cơ sở giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm”, các tài liệu, chứng cứ hiện có cho thấy VP đã không xác định giá thị trường của nhà máy thủy điện tại thời điểm xảy ra tổn thất và các Bên cũng không có thỏa thuận khác về vấn đề này trong Hợp đồng. Vì vậy, việc áp dụng “trượt giá” để xác định số tiền bồi thường là không có cơ sở.  

“Điều khoản về bảo hiểm theo giá trị khôi phục” được quy định như sau: “Trong trường hợp tài sản được bảo hiểm trong phạm vi của Đơn bảo hiểm này (trừ sản phẩm lưu kho hoặc hàng hóa, nguyên vật liệu) bị phá hủy hoặc tổn hại, cơ sở để xác định số tiền có thể được bồi thường theo Đơn bảo hiểm này sẽ là giá trị khôi phục lại tài sản bị phá hủy hoặc thiệt hại, tuân theo các quy định đặc biệt sau đây cũng như các điều kiện và điều khoản của Đơn bảo hiểm này trừ những điểm đã được sửa đổi theo Điều khoản này; trong Điều khoản này, cụm từ  “Khôi phục” sẽ được hiểu như sau: Việc thực hiện công việc đề cập dưới đây bao gồm: (a) khi tài sản bị phá hủy, đó là việc xây dựng lại tài sản nếu tài sản là nhà cửa, hoặc nếu là tài sản khác thì sẽ được hiểu là việc thay thế bằng tài sản tương tự. Trong các trường hợp trên, việc xây dựng lại hoặc thay thế sẽ chỉ giới hạn ở mức độ đạt đến tình trạng tương tự mà không tốt hơn hoặc tân tiến hơn tình trạng của tài sản đó khi còn mới; (b) khi tài sản bị thiệt hại, đó là việc sửa chữa thiệt hại và khôi phục phần tài sản bị hư hại trở lại tình trạng gần như tương tự mà không làm tài sản đó tốt hơn hoặc tân tiến hơn tình trạng của nó khi mới …. Các quy định đặc biệt … (3) Nếu vào thời điểm thay thế hoặc khôi phục, tổng chi phí thực tế cho việc thay thế hoặc phục hồi nếu toàn bộ tài sản bảo hiểm bị phá hủy vượt quá số tiền bảo hiểm tính tại thời điểm xảy ra hỏa hoạn hoặc thời điểm bắt đầu sự phá hủy hoặc tổn hại của tài sản đó do những rủi ro được bảo hiểm theo Đơn bảo hiểm này, khi đó Người được bảo hiểm sẽ được xem như là Nhà bảo hiểm của chính mình cho phần vượt và sẽ tự gánh chịu phần tổn thất đó. Điều khoản mở rộng này sẽ áp dụng riêng rẽ cho từng hạng mục của Đơn bảo hiểm này (nếu nhiều hơn một hạng mục) tùy thuộc vào điều khoản được nêu ở trên”. 

Tuy vậy, Căn cứ vào các hồ sơ khắc phục tổn thất, quyết toán do Nguyên đơn cung cấp, Hội đồng Trọng tài nhận thấy Nguyên đơn đã sửa chữa, thay thế, phục hồi (khôi phục) các hạng mục tổn thất với tổng số tiền là 2.945.602.591 đồng.Theo báo cáo giám định của VP ngày 8/7/2020, mức độ tổn thất của Nguyên đơn theo Hợp đồng là 3.602.597.695 VND. Bị đơn đã gửi Thông báo giải quyết tổn thất số 83/CV-GĐBT đề ngày 3/8/2020 tới Nguyên đơn, theo đó, Bị đơn sẽ bồi thường theo đúng số tiền ghi trong Báo cáo giám định của VP như trên. Như vậy, số tiền yêu cầu bồi thường của Nguyên đơn và số tiền bồi thường mà Bị đơn chấp nhận mặc dù chưa được phân tích, loại trừ (nếu có) nhưng ngay cả trong trường hợp có con số cao nhất thì cũng đều thấp hơn số tiền bảo hiểm cho hạng mục nhà cửa vật kiến trúc theo Hợp đồng là 12.870.491.455 VND. Do đó, căn cứ “Các quy định đặc biệt … (3) Nếu vào thời điểm thay thế hoặc khôi phục, tổng chi phí thực tế cho việc thay thế hoặc phục hồi nếu toàn bộ tài sản bảo hiểm bị phá hủy vượt quá số tiền bảo hiểm…” nêu trên, Hội đồng Trọng tài kết luận “Điều khoản về bảo hiểm theo giá trị khôi phục” bao gồm “Các quy định đặc biệt … (3)…” không được áp dụng trong Vụ tranh chấp này để xác định số tiền bồi thường.

Số tiền khắc phục đối với hạng mục nhà cửa vật kiến trúc tại công trình nhà máy thủy điện đã được Nguyên đơn và VP thống nhất tại Biên bản làm việc số 01 ngày 13/02/2020 là 1.197.411.350 VND (chưa bao gồm VAT). Hội đồng Trọng tài nhận thấy thỏa thuận nêu trên được xác lập sau khi Nguyên đơn đã hoàn thành việc sửa chữa và đã có hồ sơ quyết toán. Thỏa thuận này được xác lập hoàn toàn tự nguyện, không có lừa dối hoặc đe dọa, cưỡng ép và không vi phạm điều cấm của luật và trái đạo đức xã hội. Vì vậy, căn cứ khoản 1 Điều 4 Luật TTTM, Hội đồng Trọng tài tôn trọng và chấp nhận thỏa thuận của Nguyên đơn và VP tại Biên bản làm việc số 01 ngày 13/02/2020 và quyết định số tiền khắc phục đối với hạng mục nhà cửa vật kiến trúc tại công trình nhà máy thủy điện là 1.197.411.350 VND. Đối với chi phí tư vấn nhà cửa vật kiến trúc, do hạng mục tài sản này không tham gia bảo hiểm dưới giá trị như phân tích ở trên, Hội đồng Trọng tài chấp nhận số tiền yêu cầu của Nguyên đơn là 202.724.075 VND. Tại Phiên họp, Bị đơn xác nhận các hạng mục máy móc thiết bị; chi phí giám sát, lắp đặt máy móc thiết bị; giá trị phế liệu thu hồi (thanh lý); mức khấu trừ; chi phí dọn dẹp hiện trường mà Nguyên đơn nêu tại trang 4 của Đơn khởi kiện đã được các Bên thống nhất. Như vậy, khoản tiền Bị đơn phải bồi thường cho Nguyên đơn được tính toán như sau: 1.197.411.350 VND  + 202.724.075 VND + 1.000.000.000 VND + 1.949.803.314 VND + 19.322.551 VND – 18.172.191 VND – 50.000.000 VND  =  4.301.089.099 VND. Sau khi trừ khoản tiền 2.441.778.016 VND Bị đơn đã tạm ứng, số tiền còn lại Bị đơn phải bồi thường cho Nguyên đơn là 1.859.311.083 VND.

Từ các phân tích trên đây, Hội đồng Trọng tài quyết định (phán quyết trọng tài): Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn, buộc Bị đơn phải trả cho Nguyên đơn số tiền bồi thường còn lại là 1.859.311.083 VND.

Luật sư/Trọng tài viênNgô Khắc Lễ