VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN LOGISTICS VIỆT NAM

VIETNAM LOGISTICS RESEARCH AND DEVELOPMENT INSTITUTE (VLI)

A subsidiary of Vietnam Logistics Business Association - VLA

Địa chỉ:
Điện thoại: (+84) 28 7301 8689

Việt Nam chính thức nhận quyền trượng tổ chức FWC 2025

vlimonamedia

27/09/2024

Đại diện Việt Nam là VLA đã nhận quyền trượng để tổ chức FWC 2025 tại Hà Nội, từ ngày 6 đến ngày 10/10/2025.

Tại Đại hội Thế giới Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận vận tải Quốc tế (FIATA World Congress – FWC) 2024 tại Panama, đại diện Việt Nam là Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã nhận quyền trượng để tổ chức FWC 2025 tại Hà Nội, từ ngày 6 đến ngày 10/10/2025.

Lễ bế mạc FWC 2024 tổ chức tại Panama.

FWC 2025 do VLA đấu thầu giành quyền đăng cai từ năm 2017. Qua nhiều nỗ lực và những gián đoạn vì Covid-19, tới năm 2022, VLA chính thức giành quyền đăng cai FWC 2025 tại FWC 2022 tổ chức tại Hàn Quốc. Sau khi dành được vinh dự này, VLA đã nhanh chóng làm việc với các Bộ ngành, cơ quan liên quan, khẩn trương chuẩn bị cho việc tổ chức Đại hội.

Đặc biệt, việc tổ chức FWC 2025 đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ từ Chính phủ và các Bộ ngành địa phương. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hai lần tiếp đoàn đại biểu FIATA và VLA tại Trụ sở Chính phủ vào năm 2023 và 2024, đồng thời khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam đối với sự kiện FWC 2025. Lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ GTVT, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cùng nhiều Bộ ngành, địa phương cũng đã gặp gỡ lãnh đạo FIATA và VLA bày tỏ sự ủng hộ tổ chức sự kiện thành công, hiệu quả tại Hà Nội.

Lãnh đạo VLA nhận quyền trượng từ nước chủ nhà của FWC 2024 là Panama.

Phát biểu tại lễ nhận quyền trượng, ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch VLA, Trưởng Đoàn Việt Nam tham dự FWC 2024 chào mời các đại biểu tới tham dự FWC 2025 và trải nghiệm nền kinh tế năng động, đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam.

Việt Nam với dự báo tăng trưởng GDP trên 6% vào năm 2024 và vị trí chiến lược, Việt Nam là “cửa ngõ” của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Thậm chí, với vị trí đặc biệt quan trọng trong dòng thương mại toàn cầu, Việt Nam được kỳ vọng trở thành trung tâm logistics và thương mại của khu vực và thế giới.

Với 19 hiệp định thương mại tự do đã được ký kết và dự kiến ​​tăng trưởng xuất nhập khẩu sẽ vượt 15% vào năm tới, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu. Sự mở rộng thương mại này được hỗ trợ bởi ngành logistics Việt Nam, nơi có hơn 45.000 công ty đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối Việt Nam với thế giới.

Ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch VLA, Trưởng Đoàn Việt Nam tham dự FWC 2024 chào mời các đại biểu tới tham dự FWC 2025.

Đồng thời, cam kết phát triển cơ sở hạ tầng của chúng tôi được thể hiện qua thành công của Cảng Cái Mép, cảng được xếp hạng thứ 7 trong số các cảng container hiệu quả nhất thế giới vào năm 2023. Hệ sinh thái hậu cần mạnh mẽ của Việt Nam bổ sung cho vị thế là một trung tâm sản xuất hàng đầu của chúng tôi, với những “gã khổng lồ” toàn cầu như Samsung, LG, Intel và Foxconn chọn Việt Nam làm địa điểm hoạt động chính của họ”, Chủ tịch VLA nhấn mạnh.

Ngoài những thành tựu trong lĩnh vực logistics, ông Đào Trọng Khoa còn nhấn mạnh tới việc Việt Nam là quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu nông sản, bao gồm những sản phẩm nhiều “tỷ đô” như cà phê, thuỷ sản,…

Đặc biệt, giới thiệu về nét hấp dẫn khác của Việt Nam, Chủ tịch VLA chia sẻ, Việt Nam còn là một quốc gia có vẻ đẹp thiên nhiên, nền văn hóa phong phú và những trải nghiệm khó quên.

Việt Nam hứa hẹn là điểm đến thú vị, không chỉ kết nối đầu tư mà còn là nơi trải nghiệm tuyệt vời.

Bạn sẽ kinh ngạc trước cảnh bình minh ngoạn mục trên Vịnh Hạ Long, một trong những kỳ quan thiên nhiên của thế giới, hay khám phá độ sâu đầy cảm hứng của Hang Sơn Đoòng, nơi ranh giới giữa trời và đất dường như mờ đi, bạn sẽ thấy rằng Việt Nam mang đến những trải nghiệm không gì sánh bằng. Các thành phố sôi động của chúng tôi tràn đầy năng lượng, văn hóa và lịch sử. Hãy dành thời gian khám phá Thủ đô Hà Nội, thành phố ngàn năm văn hiến, nơi bạn có thể thưởng thức hương vị ẩm thực nổi tiếng thế giới của chúng tôi, như món “Bún Chả”, nơi đã tiếp đón những biểu tượng của thế giới như Donald Trump và Joe Biden, một lời nhắc nhở về sự ấm áp và cởi mở mà chúng tôi chào đón thế giới”, Chủ tịch VLA nhấn mạnh.

Với chủ đề “logistics xanh và thích ứng nhanh”, FWC 2025 sẽ được tổ chức từ ngày 6 đến ngày 10/10/2025 với các cuộc thảo luận quan trọng về tương lai của ngành logistics trong một thế giới ngày càng nhận thức rõ hơn về trách nhiệm bảo vệ môi trường của mình.

“Tính bền vững là ưu tiên cốt lõi của Việt Nam. Cam kết của chúng tôi về một tương lai không phát thải ròng đã được thể hiện trong cam kết tại COP26, và chúng tôi đang tiếp tục nỗ lực xây dựng một nền kinh tế vừa xanh vừa bền vững. Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ đề của Đại hội FWC 2025, khi chúng tôi nỗ lực đưa ngành logistics tiến tới một tương lai bền vững và có trách nhiệm hơn. Việt Nam không chỉ là điểm đến cho doanh nghiệp logistics, đây là nơi các cơ hội nảy nở, các nền văn hóa kết nối và một tương lai tươi sáng hơn, bền vững hơn được xây dựng”, Chủ tịch VLA nhấn mạnh. Đồng thời bày tỏ mong muốn được chào đón các doanh nghiệp đến Hà Nội.

Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và các doanh nghiệp đã nhận quyền trượng để tổ chức FWC 2025 tại Hà Nội.

Chiếc quyền trượng vừa được trao cho VLA có lịch sử thú vị và độc đáo. Ông Ngô Khắc Lễ, Phó Tổng Thư ký VLA dịch từ những tài liệu chia sẻ, năm 2008, khi khai mạc FWC tại Vancouver, những người tham gia đã được nghe ý kiến của Thủ lĩnh bộ tộc Haida, một trong những nhóm người bản địa của Canada nằm ở bờ biển phía tây của nước này về một truyền thống lâu đời của bộ tộc là khi tụ tập với nhau thì phải có một chiếc gậy để thể hiện quyền phát ngôn. Người đang nói phải cầm chiếc gậy này và không ai khác có quyền nói vào lúc này. Sau khi người nói đã phát ngôn xong, chiếc gậy được chuyển cho người nói tiếp theo. Tất cả những chiếc gậy này đều là bản gốc của những tác phẩm nghệ thuật, được chạm khắc bằng tay và không bao giờ có cái nào giống cái nào.

Để thể hiện thái độ thân thiện với FIATA, bộ tộc Haida đã tặng FIATA một chiếc gậy là biểu tượng cho quyền được nói (talking stick) – quyền trượng phát ngôn. Quyền trượng này được tặng và sử dụng lần đầu tiên tại Đại hội Liên đoàn các hiệp hội giao nhận quốc tế năm 2008 (FWC 2008). Thật không may là vài năm sau, cho đến trước FWC 2013 tại Singapore 2013, quyền trượng này đã bị thất lạc và được cho là đã bị đánh cắp.

Khi Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế Canada (CIFFA) biết được điều này, họ hứa sẽ tặng một bản sao của quyền trượng. Đại diện CIFFA đã tìm thấy một cửa hàng bản địa chuyên làm những quyền trượng kiểu như vậy và phát hiện một bản sao được chạm khắc bằng tay có thể mua để thay thế quyền trượng đã mất.

Sau khi mua, CIFFA vẫn nắm giữ quyền sở hữu quyền trượng bản sao cho đến FWC 2023, khi ông Chris Gillespie, Chủ tịch trước đây của FIATA (nhiệm kỳ 1999-2001) tặng một quyền trượng cho Chủ tịch khi ấy của FIATA là Tiến sĩ Ivan Petrov tại một lễ bàn giao tượng trưng trong thời gian diễn ra Buổi tiếp tân của Ban lãnh đạo mở rộng (the Extended Board Welcome Reception) tại Tòa thị chính Brussels. Như vậy, trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến năm 2023, một quyền trượng khác đã được sử dụng để thay thế bản gốc bị mất.

Về truyền thống nghi lễ, sau khi trình bày xong, các diễn giả thường để lại quyền trượng trên bục phát biểu theo một màn trình diễn mang tính biểu tượng, đó là, vị đại diện nước chủ nhà tiếp theo của Đại hội Liên đoàn các hiệp hội giao nhận quốc tế sẽ tiếp nhận quyền trượng.

Tại Lễ bế mạc của mỗi kỳ Đại hội Liên đoàn các hiệp hội giao nhận quốc tế, truyền thống này hiện vẫn được thực hiện, khi đó, Người chủ lễ thường giải thích ý nghĩa của chiếc quyền trượng truyền thống.

Chiếc gậy phát ngôn mới của CIFFA có nguồn gốc từ bộ lạc hiện là quyền trượng chính thức của FIATA và truyền thống này sẽ được tiếp tục. Chiếc quyền trượng được sử dụng từ năm 2013 đến năm 2023 được đưa về trụ sở chính của FIATA để lưu giữ làm kỷ niệm.

Theo Tạp Chí Diễn Đàn Doanh nghiệp