Có được thay đổi thời điểm tàu đến cảng bốc hàng (Laycan) khi chưa chỉ định tàu trong hợp đồng vận chuyển nhiều chuyến (COA) ?
vli
14/07/2023
Theo hợp đồng vận chuyển hàng hóa theo hình thức vận chuyển nhiều chuyến (thường gọi là “Contract of Affreightment” – COA), người thuê vận chuyển có quyền thay đổi thời điểm tàu đến cảng bốc hàng (laycan) khi chủ tàu/người vận chuyển chưa chỉ định tàu hay không?
Hợp đồng vận chuyển hàng hóa dạng COA, tùy theo thỏa thuận trong hợp đồng, có thể được thực hiện theo định kỳ – tức là, người thuê vận chuyển yêu cầu cung cấp tàu đều đặn sau một khoảng thời gian nhất định. Ví dụ: Cứ sau 20 ngày (ngày theo lịch), chủ tàu/người vận chuyển phải chỉ định 1 tàu cho đến khi chở hết số lượng hàng nêu trong hợp đồng; hoặc người thuê vận chuyển phải báo trước một thời gian nhất định cho mỗi chuyến tàu. Chẳng hạn như, 25 ngày trước ngày bắt đầu thực hiện mỗi chuyến tàu (ví dụ: Trong 2 ngày liên tiếp có thể yêu cầu 2 tàu với điều kiện báo trước 25 ngày).
Dưới đây là một vụ tranh chấp do Văn phòng Luật Quốc tế tại Luân Đôn (International Law Office, London)cung cấp (ngày 7/1/2009) về quyền thay đổi thời điểm tàu đến cảng bốc hàng để bạn đọc tham khảo.
Nội dung tranh chấpgiữa “P” và “A” [2008 EWHC 1361 (Comm)] như sau: Người thuê vận chuyển (Nguyên đơn) và chủ tàu/người vận chuyển (Bị đơn) ký kết với nhau một hợp đồng vận hàng hóa nhiều chuyến liên tục (COA) để vận chuyển 6 chuyến hàng: quặng sắt từ Quebec hoặc chở than từ Baltimore đi Constantza. Hợp đồng theo mẫu Americanized Welsh Coal Charter và không quy định thời gian bắt đầu của mỗi chuyến tàu và cũng không nêu rõ tàu sẽ bốc hàng tại Quebec hay Baltimore.
Tuy vậy, theo Điều 23 của Hợp đồng thì “Người thuê vận chuyển phải báo 30 ngày trước ngày bắt đầu thực hiện mỗi chuyến tàu cùng với thời gian tàu phải đến cảng bốc hàng (laycan) có độ dài giữa ngày đầu (của laycan) và ngày cuối (của laycan) là 10 ngày, chủ tàu/người vận chuyển sẽ chỉ định tàu chậm nhất là 10 ngày trước ngày đầu tiên của laycan” (Charterers to give 30 days’ notice with 10 days notice laycan spread and [o]wners to nominate vessel latest 10 days prior first day).
Trong khi đưa ra laycan (với “khẩu độ” là 10 ngày) như nêu trên đây, người thuê vận chuyển phải chỉ định cảng bốc hàng (loadport) cho mỗi chuyến, xác định tên hàng sẽ bốc lên tàu cũng như ngày sớm nhất mà tàu có thể đưa “Thông báo sẵn sàng”. Hai bên thực hiện 4 chuyến đầu trôi chảy, không xảy ra trục trặc gì liên quan đến hợp đồng nhưng sau đó đã xảy ra tranh chấp trong việc người thuê vận chuyển thu xếp thời gian để thực hiện chuyến thứ 5, cụ thể như sau:
– Ngày 6 tháng 9 năm 2007, người thuê vận chuyển thông báo cho chủ tàu/người vận chuyển biết rằng chuyến thứ 5 của hợp đồng sẽ bốc hàng tại Baltimore, dỡ hàng tại Constanza và laycan là 5-14/10/2007.
– Sau đó 1 tuần, người thuê vận chuyển báo cho chủ tàu/người vận chuyển biết, vì người giao hàng (shipper) không thể đưa hàng ra cảng trong thời gian laycan 5-14/10/2007 nên họ muốn laycan chậm lại đến ngày 21-30/10/2007.
– Chủ tàu/người vận chuyển từ chối, không chấp nhận việc thay đổi này, có phần là do giá cước trên thị trường đã tăng so với khi ký hợp đồng, cho rằng coi như chuyến thứ 5 đã bị huỷ bỏ và chuyến thứ 6 sẽ được thực hiện với laycan là 21-30/10/2007
– Người thuê vận chuyển không đồng ý với quan điểm của chủ tàu/người vận chuyển và đề nghị thay chuyến thứ 5 của hợp đồng bằng một chuyến khác, có cùng đơn giá cước như hợp đồng đã ký, với cùng laycan như họ đã nêu lúc ban đầu (5-14/10/2007) – đó là chuyến đi từ cảng Newport News đến cảng Nikolaev.
– Chủ tàu/người vận chuyển lại từ chối đề nghị của người thuê vận chuyển; và vào ngày 24/9/2007, chủ tàu/người vận chuyển thông báo cho người thuê vận chuyển biết là họ (người thuê vận chuyển) đã vi phạm hợp đồng vì từ chối thực hiện chuyến thứ 5 với laycan 5-14/10/2010.
Tranh chấp được đưa ra trọng tài và hội đồng trọng tài, với ý kiến đa số phiếu có cùng quan điểm, phán quyết như sau:
– Thông báo ngày 6 tháng 9 của người thuê vận chuyển là nhằm xác định nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng;
– Một khi thông báo về laycan đã được đưa ra thì phải coi như thông báo đó đã được ghi vào hợp đồng và chỉ có thể được thay đổi nếu các bên đồng ý.
– Việc người thuê vận chuyển khăng khăng đòi có quyền thay đổi ngày của laycan (vì người giao hàng không thể cung cấp hàng trong khoảng thời gian từ ngày 9 đến ngày 14 tháng 10) được coi như là đề nghị về một chuyến thay thế (substitute voyage) và thể hiện rõ ý định không muốn thực hiện theo như chỉ định ban đầu của mình.
– Chủ tàu/người vận chuyển có quyền chấp nhận việc vi phạm hợp đồng của người thuê vận chuyển và việc chấp nhận này được coi như đã “tự giải thoát” ( miễn nghĩa vụ thực hiện chuyến thứ 5 của họ).
Người thuê vận chuyển kháng án. Tại phiên xét xử sau đó tại tòa án, người thuê vận chuyển đề nghị hội đồng xét xử xem xét 2 vấn đề: Thứ nhất là, có phải việc đã chỉ định laycan thì không thể thay đổi; và thứ hai là, liệu các trọng tài viên có phạm sai lầm về mặt pháp lý khi cho rằng người thuê vận chuyển đã vi phạm hợp đồng do việc không thực hiện laycan đã chỉ định ban đầu.
Ngoài những vấn đề khác, Người thuê vận chuyển cho rằng, lẽ ra việc chỉ định laycan chỉ được coi là không thể thay đổi nếu như chủ tàu/người vận chuyển đã chỉ định tàu và người thuê vận chuyển đã xác nhận tàu (theo như yêu cầu tại điều 23 của hợp đồng đã nêu ở trên); và trên cơ sở đó (chủ tàu/người vận chuyển đã xác nhận tàu) thì người thuê vận chuyển lẽ ra đã không thể thay đổi laycan. Như vậy, có nghĩa là, người thuê vận chuyển cho rằng, chỉ đến khi có chỉ định tàu của chủ tàu/người vận chuyển và xác nhận tàu của người thuê vận chuyển thì người thuê vận chuyển mới không còn quyền thay đổi laycan. Ngoài ra, người thuê vận chuyển còn cho rằng họ không có nghĩa vụ cung cấp hàng hoá trong thời hạn laycan, và tất cả những gì họ đã làm qua đề nghị lùi thời gian laycan đều hoàn toàn chỉ là để làm sáng tỏ một điều là họ không huỷ bỏ chuyến thứ 5 mà đó chỉ là việc điều chỉnh thời gian giao hàng.
Toà đã bác bỏ lý lẽ kháng án của người thuê vận chuyển và cho rằng họ không có quyền thay đổi laycan. Việc thông báo laycan của người thuê vận chuyển được coi như là đã thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, và vì vậy, đã hoàn thành việc xác định nghĩa vụ của các bên đối với một hợp đồng cụ thể nên không thể thay đổi. Cơ sở lý luận này phù hợp với phán quyết trong vụ tranh chấp về tàu “The Jasmine B” ([1992] 1 Lloyd’s Rep 39) – toà cho rằng, nếu không có thỏa thuận đặc biệt nào khác, một khi cảng bốc hàng (load port) đã được chỉ định thì phải coi như bản hợp đồng đã được ghi thêm tên cảng nhận hàng vào đó. Không bên nào có quyền (hoặc nghĩa vụ) đơn phương thay đổi việc chỉ định như vậy.
Quan điểm cho rằng một khi đã chỉ định thì không thể thay đổi cũng phù hợp với nguyên tắc cơ bản của luật về hợp đồng (contract law). Đó là, để cho một hợp đồng có thể thực thi được (valid), các bên phải đưa ra những điều khoản cơ bản, hoặc ít nhất, cũng phải tạo ra một “cơ chế” (mechanism) để xác định những điều khoản cơ bản đó. Trong trường hợp này, việc chỉ định laycan của người thuê vận chuyển là một dấu hiệu cơ bản để hoàn thành việc xác định nghĩa vụ của các bên; bao gồm việc chỉ định cảng bốc hàng, hàng hóa sẽ được vận chuyển và kể cả ngày sớm nhất mà tàu có thể đưa “Thông báo sẵn sàng”. Toà còn cho rằng, nếu trong hợp đồng không có quy định phải “viết” thêm vào đó những thoả thuận vừa nêu (chỉ định laycan, hàng hóa, cảng bốc hàng…) thì hợp đồng sẽ không thể thực hiện được. Hơn nữa, Tòa cũng nhận thấy, về mặt thực tiễn hoạt động thương mại, không thể thực hiện như lý lẽ của người thuê vận chuyển nếu việc thông báo (laycan) chỉ được coi là không thể thay đổi một khi tàu đã được chỉ định và xác nhận (nếu phù hợp), vì nếu như vậy thì người thuê vận chuyển có thể thay đổi (laycan) nhiều lần cho đến khi có xác nhận tàu.
Toà còn cho rằng, hội đồng trọng tài có quyền kết luận việc người thuê vận chuyển khăng khăng cho rằng mình có quyền thay đổi laycan đã dẫn đến vi phạm hợp đồng vì đó là bằng chứng rõ ràng về ý định không muốn bị ràng buộc vào sự chỉ định ban đầu.
Tòa nhận định: Những lý lẽ mà người thuê vận chuyển đưa ra trước Tòa về tác dụng của những thông báo gửi cho chủ tàu/người vận chuyển chỉ đơn thuần nhằm thông báo cho họ biết việc Người thuê vận chuyển không thực hiện quyền huỷ bỏ (chuyến thứ 5) cho đến ngày 30 tháng 10 là hoàn toàn không phù hợp với sự thật (đã được xác minh): Người thuê vận chuyển đã thông báo cho chủ tàu/người vận chuyển biết rằng họ muốn thay đổi laycan và tin rằng họ có quyền làm như vậy, hoặc thực tế là họ muốn thay chuyến thứ 5 của hợp đồng bằng một chuyến khác.
Cuối cùng, Tòa kết luận: Việc người thuê vận chuyển đã chỉ định thời điểm tàu đến cảng bốc hàng (laycan) là không thể thay đổi được (irrevocable). Chủ tàu/người vận chuyển có quyền ngay lập tức ghi nhận việc chỉ định đó của người thuê vận chuyển và việc chỉ định như vậy chỉ có thể thay đổi nếu được chủ tàu/người vận chuyển chấp nhận, bất kể là họ (chủ tàu/người vận chuyển) đã chỉ định tàu hay chưa.
Tác giả: Luật sư/ Trọng tài viên Ngô Khắc Lễ (Cộng tác viên của VLI)
Nhãn