VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN LOGISTICS VIỆT NAM

VIETNAM LOGISTICS RESEARCH AND DEVELOPMENT INSTITUTE (VLI)

Trực thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam - VLA

ĐƠN VỊ CHỦ QUẢN

Địa chỉ:
Điện thoại: (+84) 28 7301 8689

Có phải đưa thông báo sẵn sàng (NOR) tại các cảng bốc/dỡ thứ hai không ?

vli

14/12/2023

Thực tế đã xảy ra là quy định trong hợp đồng vận chuyển theo chuyến (voyage charter party) (“Hợp đồng”) về đưa Thông báo sẵn sàng (NOR – Notice of Readiness) không rõ ràng đối với các cảng bốc dỡ sau các cảng đầu tiên và tàu phải chờ cầu cảng một thời gian tại những cảng này (cảng thứ hai) dẫn đến tranh chấp về việc có phải đưa NOR tại các cảng thứ hai hay không và thời điểm bắt đầu tính thời hạn làm hàng (laytime) tại các cảng này từ khi nào. Dưới đây là một ví dụ để bạn đọc tham khảo.

Theo Hợp đồng, hàng được vận chuyển từ hai cảng bốc là Surabaya (SBA) và Semarang (SMR) và dỡ tại hai cảng là Đà Nẵng (DNG) và  Hải Phòng (HPG) với quy định “Thông báo sẵn sàng” (NOR) bằng văn bản được đưa cho người giao hàng, người nhận hàng trong ngày làm việc, vào giờ hành chính. Thời hạn bốc, dỡ hàng bắt đầu tính từ 13h00 nếu NOR đưa trước hoặc vào 12h00 trưa và tính từ 8h00 sáng ngày làm việc hôm sau nếu NOR đưa sau 12h00 trưa”.

Tại hai cảng bốc và dỡ hàng thứ nhất (SBA và DNG), tàu đưa NOR như thường lệ, nhưng tại cảng bốc hàng thứ hai (SMR) và cảng dỡ hàng thứ hai (HPG) tàu không đưa NOR. Tại hai cảng này, tàu phải chờ một thời gian vì không có sẵn cầu cảng (bến cảng) để bốc dỡ hàng. Việc tính toán thời gian thưởng phạt cho hai cảng SBA và DNG không có vấn đề gì nhưng đối với hai cảng SMR và HPG, người vận chuyển/chủ tàu xác định thời điểm bắt đầu tính thời hạn làm hàng (commencement of laytime) từ thời điểm tàu đến cảng (vessel arrival) và cho rằng không cần đưa NOR tại các cảng SMR và HPG.

Người thuê vận chuyển cho rằng, Hợp đồng quy định như nêu trên có nghĩa là NOR phải được đưa lại tất cả các cảng bốc và dỡ chứ không phải chỉ đưa ở hai cảng bốc, dỡ thứ nhất (SBA và DNG), nhưng người vận chuyển không chấp nhận và trả lời rằng không cần phải đưa NOR tại các cảng bốc dỡ thứ hai (SMR và HPG).

Nếu hợp đồng quy định như trên, chỉ phải đưa NOR tại cảng SBA và DNG mà không cần phải đưa tại các cảng bốc dỡ thứ hai (SMR và HPG). Sở dĩ như vậy là vì khi tàu đến cảng bốc và dỡ thứ nhất (SBA và DNG), người thuê vận chuyển biết rằng tàu đã bắt đầu thực hiện nghĩa vụ nêu trong Hợp đồng và họ có trách nhiệm tiếp tục theo dõi hành trình của tàu để thu xếp việc bốc và dỡ hàng ở các cảng tiếp theo. Thời hạn bốc dỡ hàng tại các cảng thứhai sẽ được bắt đầu tính khi tàu đến cảng (vessel arrival). Trường hợp người thuê vận chuyển muốn tàu đưa NOR ở các cảng bốc và dỡ thứ hai thì phải nêu rõ trong Hợp đồng bằng cách thêm vào quy định nêu trên nhóm từ  “ở mỗi cảng bốc, dỡ hàng”. Có thể để ở ngay đầu câu (hoặc ở một vị trí thích hợp khác), chẳng hạn như : “ở mỗi cảng bốc dỡ hàng Thông báo sẵn sàng bằng văn bản được đưa cho…”.

Cần lưu ý là nếu không quy định việc đưa NOR tại các cảng bốc dỡ thứ hai hoặc không có thoả thuận về thời điểm bắt đầu tính thời hạn bốc dỡ hàng tại các cảng bốc dỡ thứ hai thì thời hạn bốc dỡ hàng bắt đầu tính từ khi tàu đến cảng trong trường hợp cảng bị ùn tàu (congestion) hoặc tính từ khi tàu cập cầu cảng nếu có cầu cảng trống, sẵn sàng tiếp nhận tàu. Nếu có từ hai cảng bốc dỡ hàng trở lên (ví dụ: ba cảng bốc, bốn cảng dỡ) thì cũng áp dụng tương tự như trên./.

Tác giả: Luật sư/ Trọng tài viên Ngô Khắc Lễ (Cộng tác viên của VLI)