VIỆN NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN LOGISTICS VIỆT NAM

VIETNAM LOGISTICS RESEARCH AND DEVELOPMENT INSTITUTE (VLI)

Trực thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam - VLA

ĐƠN VỊ CHỦ QUẢN

Địa chỉ:
Điện thoại: (+84) 28 7301 8689

Suýt mất tiền tỷ vì vận đơn giả

vli

22/02/2024

Cuối năm 2016, một công ty Việt Nam (“CTV”) mua 4.000 tấn thép phế liệu (Heavy Steel Scrap for Melting) theo điều kiện CFR Saigon Port, Incoterms 2010, thanh toán bằng thư tín dụng trả tiền ngay (L/C at sight). Hàng được bốc lên tàu tại cảng Kobe (Nhật Bản). 
Người bán (“CNC”) đã hoàn thành việc giao hàng, chuẩn bị bộ chứng từ thanh toán với trị giá gần 900.000 USD và thông báo cho CTV tên tàu, hành trình, tên và địa chỉ đại lý tàu tại Sài Gòn để chuẩn bị nhận hàng khi tàu đến cảng.
Sau khi nhận được bộ chứng từ thanh toán, ngân hàng mở L/C phía CNC đã kiểm tra và nhận thấy các chứng từ trên bề mặt phù hợp với L/C như quy định trong UCP 600  nên đã chuyển bộ chứng từ cho  CTV kiểm tra, thanh toán và chuẩn bị nhận hàng.
Tranh chấp

Qua xem xét bộ chứng từ, CTV phát hiện một số dấu hiệu đáng ngờ trên vận đơn, biên bản giám định nên đã tiến hành tìm hiểu, điều tra.
Liên hệ với chủ sở hữu tàu, CTV được biết, họ đã cho công ty TLS thuê định hạn (time charter). Hỏi TLS, được xác nhận rằng họ chính là người thuê định hạn và đã cho CNC thuê vận chuyển theo chuyến (voyage charter) lô hàng  có cảng đích là Sài Gòn, nhưng số lượng hàng thấp hơn con số nêu trên vận đơn; họ không ủy quyền cho đại lý tàu tại Kobe ký phát vận đơn; CTV còn thấy địa điểm cấp vận đơn không phải là cảng Kobe – nơi hàng thực tế được bốc lên tàu; vận đơn ghi “tiền cước đã trả” nhưng TLS khẳng định chưa nhận được tiền cước; ngày ký vận đơn trước ngày tàu hoàn thành việc bốc hàng; hàng hóa trên tàu không phải là  thép phế liệu (theo một số bức ảnh mà TLS cung cấp). TLS còn cho biết, đã thuê luật sư để khởi kiện CNC, kể cả việc cầm giữ và bán hàng để bù đắp thiệt hại.

Qua kiểm tra với Cơ quan phòng chống lừa đảo và gian lận Hàng hải Quốc tế (International Maritime Bureau – IMB) – một tổ chức của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) – có một trong những chức năng là phòng chống các hành vi sai trái trong thương mại, hàng hải, CTV và ngân hàng Việt Nam được IMB cho biết, công ty có tên ghi trước chữ ký trên vận đơn đã xác nhận họ không ký phát vận đơn này (the Bill of Lading Issuer did not issue this Bill of Lading).

Khi được CTV đề nghị giúp, cho ý kiến về kết quả giám định số lượng lô hàng đã bốc lên tàu, hãng giám định NKKK của Nhật Bản xác định đó là biên bản giám định giả và đã thuê luật sư khởi kiện CNC.

Đại lý tàu tại cảng Sài Gòn khẳng định, khi được mời làm nhân chứng trong phiên xét xử,  TLS có chỉ định họ làm đại lý nhưng không gửi bản sao vận đơn và các chứng từ liên quan để làm thủ tục cho tàu vào cảng, không chuyển đại lý phí.    

Trước những thông tin như trên, CTV đã nhiều lần liên hệ với CNC bằng mọi phương tiện có thể để làm rõ về tình trạng lô hàng và yêu cầu họ thực hiện đúng hợp đồng, làm các chứng từ đúng như đã thỏa thuận nhưng CNC im lặng, không trả lời mọi điện thoại, thư điện tử, fax của CTV.     

Vì vậy, CTV, căn cứ vào Luật Thương mại 2005 và Bộ luật Dân sự 2015, đã gửi đơn khởi kiện CNC tại một trung tâm trọng tài thương mại như 2 bên thỏa thuận trong hợp đồng để yêu cầu chấm dứt ( hủy) hợp đồng và đòi CNC bồi thường thiệt hại, tiếp đó, họ đã yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là tạm ngừng việc thanh toán tiền hàng. Sau khi xem xét sự việc, Tòa đã ra quyết định buộc ngân hàng tạm ngừng việc thanh toán tiền hàng.

Phán quyết trọng tài 

Trong quá trình tố tụng trọng tài, mặc dù đã được yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh việc đã trả tiền cước vận chuyển (giá dịch vụ vận chuyển), ký phát vận đơn hợp lệ, giám định hàng hóa, v.v. nhưng CNC không cung cấp mà chỉ gửi một văn bản đại ý rằng mọi việc họ làm là đúng nhưng không kèm theo tài liệu, chứng cứ để chứng minh. Tại phiên họp giải quyết vụ tranh chấp, CNC vắng mặt không có lý do, cũng không cử  đại diện theo ủy quyền theo giấy triệu tập của Hội đồng Trọng tài (“HĐTT”).

Sau khi phân tích toàn bộ sự việc, đánh giá chứng cứ, căn cứ khoản 4 Điều 312 Luật Thương mại 2005, khoản 2 Điều 423 Bộ luật Dân sự 2015, hồ sơ vụ tranh chấp và lý lẽ của CTV, CNC, Hội đồng Trọng tài nhận thấy CNC đã cung cấp cho  CTV một bộ chứng từ hoàn toàn không phù hợp với thực tiễn thương mại và hàng hải quốc tế cũng như không phù hợp với hợp đồng mua bán, vi phạm nghiêm trọng hợp đồng, đến mức làm cho mục đích của hợp đồng không thể đạt được. CNC cũng vi phạm khoản a) Điều A3 quy tắc CFR Saigon Port Incoterms 2010 về hợp đồng vận chuyển hàng hóa. Tàu không vào cảng do CNC vi phạm hợp đồng vận chuyển.  Với vận đơn như phân tích ở trên, CTV không thể nhận được hàng ngay cả khi tàu vào cảng. Trên thực tế, tàu có đến khu vực phía ngoài cảng nhưng không vào cảng, sau đó, đi cảng khác và cầm giữ hàng để đòi bồi thường thiệt hại do CNC chưa trả tiền cước vận chuyển và tiền phạt lưu tàu.

Hội đồng Trọng tài đã ra phán quyết công nhận quyền được chấm dứt hợp đồng của CTV, đồng thời cũng lưu ý CTV cần thực hiện đúng trình tự, thủ tục chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Bình luận

CTV đã hành động kịp thời để tránh việc ngân hàng thanh toán ngay vì bộ chứng từ đã hoàn toàn phù hợp với thư tín dụng; tránh được rủi ro về mất toàn bộ tiền hàng.   

Qua vụ tranh chấp này có thể thấy, ngay cả khi bộ chứng từ đã được ngân hàng chấp nhận là phù hợp (trên bề mặt chứng từ) để thanh toán tiền hàng theo thư tín dụng, việc kiểm tra mọi chi tiết của chứng từ, kết hợp với thực tế chuyến hàng, hành trình của tàu, đặc biệt là đối với vận đơn là rất cần thiết để tránh rủi ro mất tiền hàng do gian lận thương mại, mặc dù cho đến nay, thanh toán bằng thư tín dụng vẫn thường được coi là an toàn và chặt trẽ nhất./.                

Tác giả: Luật sư/ Trọng tài viên: Ngô Khắc Lễ (Cộng tác viên của VLI)